Cho đến thời điểm này kế hoạch cho việc phát sóng các hoạt động SEA Games 28 của VTV đã như thế nào? Khán giả truyền hình sẽ được phục vụ cụ thể những gì?
Nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng Ban Sản xuất các chưương trình thể thao: SEA Games 28 là sự kiện quan trọng nhất trong năm của thể thao Việt Nam. Đây cũng là 1 sự kiện nhận được sự quan tâm rất lớn từ khán giả truyền hình bởi sự tham gia đầy đủ của các VĐV hàng đầu của thể thao Việt Nam, trong đó nổi bật là các cầu thủ của U23 Việt Nam. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Sản xuất các chương trình Thể thao đã lên kế hoạch về việc thực hiện chiến dịch tuyên truyền cho SEA Games 28 trên các kênh sóng của VTV.
Nhà báo Phan Ngọc Tiến: “Thể Thao VTV đã sẵn sàng cho SEA Games 28…”
Trong đó, các buổi lễ khai mạc và bế mạc của SEA Games 28, các nội dung thi đấu nổi bật nhất trong ngày được kì vọng mang đến HCV cho đoàn Thể thao Việt Nam sẽ được truyền trực tiếp trên kênh VTV6 theo các khung giờ khác nhau. Dự kiến buổi sáng từ 8h00 đến 11h00, buổi chiều từ 13h00 đến 19h00. Đài Truyền hình Việt Nam cũng sẽ thực hiện truyền hình trực tiếp khoảng 18 trận bóng đá tại SEA Games 28 (tất cả các trận có đội U23 VIỆT NAM thi đấu đều được THTT). Các trận còn lại cũng sẽ được ghi hình để phát sóng vào các khung giờ khác nhau.
Ban Sản xuất các chương trình Thể thao sẽ thực hiện chương trình Bình luận trực tiếp trước, giữa và sau các trận đấu của môn bóng đá nam SEA Games 28 tại trường quay S12. Khách mời của chương trình sẽ là các chuyên gia bóng đá, HLV, cựu cầu thủ tên tuổi. Để kịp thời cập nhật những tin tức, hình ảnh mới nhất của U23 Việt Nam cũng như không khí xem bóng đá của người hâm mộ Việt Nam thì chúng tôi cũng sẽ thực hiện các phần nối cầu trực tiếp với các phóng viên thể thao VTV có mặt tại Hà Nội, Tp HCM và đặc biệt là Singapore.
Nếu quí vị khán giả nào không thể theo dõi đầy đủ các cuộc thi đấu trong ngày của đoàn Thể thao Việt Nam thì những chương trình đồng hành cùng SEA Games sẽ giúp khán giả nắm bắt đầy đủ và chính xác nhất những cuộc tranh tài, những tấm huy chương và những câu chuyện bên lề thú vị của SEA Games. Đó là các chương trình: Nhật ký SEA Games 28, Toàn cảnh SEA Games 28, Sân cỏ SEA Games 28, Khoảnh khắc SEA Games 28. Trong thời gian diễn ra SEA Games 28 thì chúng tôi còn rất nhiều các bản tin đã trở nên quen thuộc với khán giả truyền hình như 2 là Nhịp đập 360 độ Thể thao và 360 độ Thể thao sẽ được đổi tên thành Nhịp đập 360 độ Thể thao cùng SEA Games 28 và 360 độ Thể thao cùng SEA Games 28 với thời lượng ưu tiên cho các tin tức về SEA Games. Từ lúc này cho đến khi SEA Games 28 khởi tranh thì chúng tôi cũng đã và đang thực hiện serie chương trình mang tên “Đường tới SEA Games 28”, phản ánh quá trình chuẩn bị cho SEA Games 28 của đoàn Thể thao Việt Nam và sự chuẩn bị của nước chủ nhà Singapore cũng như của các đoàn Thể thao khác.
Theo ông, đâu sẽ là sự khác biệt của VTV dành cho khán giả so với những kỳ SEA Games trước?
Ở các sự kiện thể thao lớn như SEA Games, điều mà khán giả luôn quan tâm chính là độ nhanh nhạy, cập nhật của thông tin. Ở SEA Games 28 bên cạnh việc tường thuật trực tiếp các môn thi đấu trong ngày thì chúng tôi cũng sẽ thực hiện các chương trình nối cầu trực tiếp với sự có mặt của các phóng viên VTV ở các địa điểm thi đấu. Chúng tôi sẽ mang sang Singapore 3 hệ thống streambox và cũng sẽ thiết lập các trường quay di động ở ngay các địa điểm thi đấu. Kết hợp với trường quay chính của VTV tại Trung tâm Truyền hình quốc tế IBC thì hoạt động này sẽ giúp cho việc đưa và khai thác thông tin SEA Games trở nên đa dạng hơn, hấp dẫn hơn.
Một điều mới khác là trong các chương trình bình luận hay trong các bản tin về SEA Games thì ngoài những hình ảnh chúng tôi cũng sẽ thực hiện các các tin vắn dạng text được thể hiện bằng đồ hoạ trên màn hình. Chúng tôi có tham vọng và sẽ cố gắng để đưa một SEA Games chân thực nhất, sống động nhất tới các khán giả truyền hình.
Với khối lượng công việc không hề nhỏ, lại là người có kinh nghiệm và thâm niên làm các chương trình SEA Games, ông có lường trước được những khó khăn mà Ban sản xuất các chương trình thể thao phải đối mặt?
Ở các kỳ SEA Games thì VTV luôn lắp đặt 1 trường quay tại Trung tâm Truyền hình quốc tế IBC để đóng vai trò là đầu não của các hoạt động tuyên truyền cho SEA Games của chúng tôi. Để vận hành studio này chúng tôi phải huy động một khối lượng thiết bị lớn có tổng trọng lượng gần 2 tấn mang từ Việt Nam sang. Việc đảm bảo thiết bị không bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển, vận hành là điều chúng tôi luôn lo lắng. Trong các kì SEA Games trước chúng tôi đã làm tốt công việc này để tính năng của các thiết bị được khai thác tối đa. Tuy nhiên, mỗi kì SEA Games lại mang đến những thử thách không giống nhau. Vì thế chúng tôi không bao giờ chủ quan ở công tác này.
Phóng viên Ban Sản xuất các chương trình thể thao tác nghiệp tại SEA Games 27 ở Myanmar
Ở SEA Games 28 thì nước chủ nhà Singapore sẽ không thực hiện truyền hình trực tiếp một số môn thi đấu như Bóng chuyền, Bắn súng hay một số môn Võ. Mà đây lại là những môn thi đấu hấp dẫn khán giả hoặc thường mang đến nhiều huy chương Vàng cho đoàn thể thao Việt Nam. Thực tế này đặt ra bài toán cho chúng tôi phải tính toán kĩ để đưa được những hình ảnh của các cuộc thi đấu này đến với khán giả thật nhanh và đầy đủ.
Một khó khăn nữa là chi phí cho việc tác nghiệp ở Singapore. Như bạn biết, Singapore là 1 quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Vì thế chúng tôi cũng phải tính toán để vừa tiết kiệm lại đảm bảo cho hoạt động tác nghiệp thuận lợi.
Ông đánh giá như thế nào khi Singapore loại bỏ một số môn thi thế mạnh của Việt Nam?
Tôi không bất ngờ về điều này khi nước nào đăng cai SEA Games cũng sẽ cố gắng đưa vào chương trình thi đấu những môn thế mạnh của mình. Đây cũng là điểm khác của SEA Games so với các kì ASIAD hay Olympic bởi dù sao SEA Games không chỉ là nơi diễn ra các cuộc tranh tài thể thao mà còn là ngày hội của cộng đồng các quốc gia. Có thể là Việt Nam sẽ mất một số huy chương Vàng nhất định nhưng chắc chắn là đoàn thể thao Việt Nam cũng đã chuẩn bị sẵn sàng và có phương án để thành công ở các nội dung khác. Tất nhiên là tôi cũng rất tiếc khi các môn như Vật, Karatedo, Vovinam, cử tạ không có tên trong danh sách các môn thi đấu.
Cùng Thể Thao VTV, khán giả cả nước sẽ có một kỳ SEA Games trọn vẹn từng khoảnh khắc
Ông kỳ vọng và dự đoán Việt Nam sẽ xếp thứ mấy và hi vọng vào những môn thi đấu nào sẽ có giải?
Tại SEA Games 28 sắp tới thì những môn thể thao cơ bản trong chương trình thi đấu Olympic vẫn là những môn mà tôi kì vọng sẽ mang về nhiều thành công cho đoàn Thể thao Việt Nam.
Hiện nay chúng ta đang có những Vận động viên tầm thế giới ở những môn này. Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng đã là 1 thương hiệu. Phan Thị Hà Thanh là cái tên đáng chú ý nhất ở môn Thể dục dụng cụ. Điền kinh Việt Nam đặt chỉ tiêu từ 10 – 12 HCV chính là trọng điểm của thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này. Còn ở môn Bơi thì chỉ tiêu từ 8 – 10 HCV cũng hoàn toàn nằm trong tầm tay với Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Quý Phước. Tôi cũng chờ đợi bất ngờ đến từ đội tuyển bóng chuyền nam bởi chúng ta đang có nhiều gương mặt đang nổi lên mạnh mẽ. Đội tuyển bóng chuyền nữ chắc vẫn sẽ bảo vệ thành công tấm huy chương bạc.
Ngoài ra tôi chờ đợi ở thành công của đội tuyển U23 Việt Nam bởi chúng ta đang có 1 HLV giỏi là ông Miura và 1 thế hệ cầu thủ tài năng với Công Phượng, Mạnh Hùng hay Huy Toàn…. Với thực lực đang có, tôi nghĩ đoàn thể thao Việt Nam ít nhất cũng duy trì vị trí quen thuộc nằm trong top 3 đoàn dẫn đầu trên Bảng tổng sắp huy chương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mời
quý độc giả theo dõi các chương trình thể thao đã phát sóng của Ban Sản
xuất các chương trình Thể Thao, Đài Truyền hình Việt Nam:
- NHỊP ĐẬP 360 ĐỘ THỂ THAO
- 360 ĐỘ THỂ THAO
- THỂ THAO 24/7