Sức nóng từ thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần qua được giới đầu tư theo dõi sát sao không kém gì tình hình cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp. Thậm chí ở châu Âu, câu chuyện Hy Lạp còn không được xem là mối e ngại hàng đầu. Chính cơn lao dốc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc mới là bóng ma khiến giới đầu tư châu Âu quan ngại và tỏ ra thận trọng.
Hy Lạp chấp chới mặt nước chờ đợi châu Âu "ném phao cứu" nhưng Trung Quốc mới là tảng băng chìm, với những tác động khôn lường tới thị trường toàn cầu. Thị trường Trung Quốc mất đến hơn 30% giá trị chỉ từ giữa tháng 6 đến nay. 3,2 nghìn tỷ USD bị xoá sạch khỏi thị trường trong 3 tuần. Con số này còn lớn hơn cả GDP nước Anh năm 2013.
Nếu như so sánh quy mô nền kinh tế và tầm ảnh hưởng toàn cầu, vấn đề Trung Quốc càng trở nên nguy hiểm hơn so với Hy Lạp. GDP của Hy Lạp chỉ ở cùng hạng với Algeria hay Kazakhstan. Còn Trung Quốc, GDP lớn thứ 2 chỉ sau Mỹ, là đối tác thương mại lớn thứ 2 với cả châu Âu và Mỹ.
Còn các ngân hàng Mỹ, trái tim của hệ thống tài chính sẽ tổn thất bao nhiêu với khủng hoảng Hy Lạp và Trung Quốc? - Câu trả lời là hơn nhau 10 lần.
Thực tế cho thấy, diễn biến thị trường châu Âu khá bình lặng trong giai đoạn khủng hoảng Hy Lạp nhưng sự thận trọng tăng cao khi nhận định về Trung Quốc.
Tình hình có cải thiện đôi chút sau ngày 8/7, khi Chính phủ Trung Quốc có biện pháp can thiệp hỗ trợ thị trường. Nhưng về lâu dài, đây vẫn là tảng băng chìm trong mắt giới đầu tư châu Âu.
Kịch bản Hy Lạp dù có xấu đến đâu thì thị trường cũng đã có nhiều năm để chuẩn bị tâm lý. Nhưng câu chuyện Trung Quốc rất khác. Vì dù sao, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Và theo quan điểm của phương Tây, thông tin trên thị trường chứng khoán Trung Quốc khó nắm bắt và chưa thực sự minh bạch với các nhà đầu tư. Việc dự đoán các kịch bản do đó càng trở nên khó khăn hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.