Thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, thu hoạch sớm, năng suất khá cao từ 6,5-7 tấn/ha, nhiều nông dân ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang ước tính lãi khoảng 15-20 triệu/ha. Thế nhưng, vào khoảng trung tuần tháng 5 đến nay, giá lúa giảm liên tục. Không chỉ thu mua cầm chừng, nhiều thương lái sẵn sàng bỏ tiền cọc và ép giá nông dân.
Anh Võ Văn Bé Mười, xã Mỹ Thành Nam cho biết: “Trước khi thu hoạch, thương lái vào bỏ cọc 4.250 đồng/kg. Giờ tới thu hoạch họ không mua. Họ nói sẵn sàng bỏ tiền cọc, nếu không mình phải bớt 50 đồng/kg, họ mới mua. Trong khi mùa này mưa gió không có chỗ phơi nên đành bán để lấy tiền làm vụ sau”.
Diện tích lúa Hè Thu sớm (lúa vụ 2) ở Tiền Giang là hơn 39.000 ha, với khoảng 70% là IR50404; tập trung ở các huyện phía Tây. Năng suất bình quân 6,1 tấn/ha. Với giá lúa còn khoảng 4.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân không chỉ lỗ công mà còn lỗ vốn. Đối với những hộ trồng lúa hạt dài giá bán cao hơn từ 200-300 đồng/kg nhưng tính ra chỉ phá huề. Vì vậy, việc triển khai thu mua tạm trữ là điều mà người dân mong mỏi.
Tạm trữ là cần thiết nhưng các chuyên gia đều cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời trong một khoảng thời gian cấp bách để vực dậy giá lúa nhưng về lâu dài chưa ổn. Để trị căn bệnh “mất mùa được giá, được mùa rớt giá” như hiện nay không còn cách nào khác là tái cơ cấu cây trồng.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp đang phối hợp để điều tiết ngành hàng, hướng đến định hướng sản xuất, tiến tới hình thành cánh đồng mẫu lớn với lúa chất lượng cao. Về lâu dài, theo tôi nên làm 2 vụ và chuyển sang cây trồng khác gắn với thị trường tiêu thụ nhằm tăng giá trị”.
Hiện hàng năm nước ta dư tới 7 triệu tấn gạo để xuất khẩu trong khi sản xuất tới 3 vụ. Việc tái cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả không chỉ cải thiện đời sống nông dân, mà còn là hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng phát triển ổn định và bền vững hơn.