Livestream bán hàng - "lối ra" tiềm năng cho nông sản Việt

Tố Uyên-Thứ ba, ngày 21/05/2024 10:40 GMT+7

Livestream kích cầu tiêu thụ nông sản

VTV.vn - Hinh thức bán hàng livestream đang tạo ra nhiều cơ hội mới về đầu ra cho nông sản Việt và nhiều địa phương đã tích cực nhập cuộc để hỗ trợ người nông dân thực hiện.

Livestream bán hàng - lối ra tiềm năng cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Xu hướng livestream bán hàng nông sản sẽ tiếp tục gia tăng mạnh

Tại Việt Nam, hình thức livestream bán hàng mới phát triển mạnh khoảng 3 năm trở lại đây. Trong năm 2022, chỉ riêng Tiktok đã có 30 khóa đào tạo về chuyển đổi số, thu hút hàng nghìn học viên. Đã có hơn 200 nông dân mở gian hàng trên nền tảng này. Năm nay, Tiktok đã tổ chức hơn 20 phiên livestream tiêu thụ nông sản và tập huấn cho bà con.

Trong thời gian qua, những cuộc livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc với nhiều tiểu thương, doanh nghiệp nhờ tính hiệu quả cao. Câu chuyện người nông dân tổ chức livestream bán nông sản đã không còn là chuyện lạ thời gian qua và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Chúng ta vẫn chưa quên vào năm 2023, những buổi livestream bán hàng với con số bán ra bất ngờ như 72 tấn cam ở Nghệ An, 50 tấn vải ở Bắc Giang, 23 tấn bí xanh ở Bắc Kạn…đã mở ra cách thức bán hàng mới cho người nông dân. 

Ngay sau các sự kiện này, nhiều người nông dân đã học cách thực hiện một phiên livestream từ cách nói chuyện, giới thiệu hàng hóa cho đến công nghệ. Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Mơ (Mộc Châu, Sơn La) cho biết, hộ gia đình chị trông mận hậu nhiều năm qua và chủ yếu giao cho thương lái quen và đem ra chợ bán. Bắt đầu vụ mùa năm ngoái chị học cách bán hàng qua mạng và số hàng chị bán được bằng phương thức này lên đến hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị còn kết nối được nhiều khách hàng tại các địa phương khác trong cả nước đặt đơn hàng cho cả năm nay. 

Livestream bán hàng - lối ra tiềm năng cho nông sản Việt - Ảnh 3.

Livestream kích cầu tiêu thụ nông sản

Không chỉ dừng lại ở các trường hợp livestream bán hàng tự phát riêng lẻ như của chị Mơ, ở một số địa phương đã phối hợp với ngành Công thương hỗ trợ người dân thực hiện phương thức kinh doanh này theo các chương trình cụ thể. Còn nhớ năm ngoái, tỉnh Sơn La đã phối hợp tổ chức chương trình tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội cho người dân nông thôn. Qua 12 phiên livestream đã bán được 5 tấn nhãn Sông Mã, 2.350 đơn hàng khác, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, livestream bán nông sản là hướng đi tất yếu trong tương lai khi hạ tầng công nghệ thông tin và các nền tảng hỗ trợ đang ngày càng phát triển; logistic ngày càng chuyên môn hóa sâu giúp quá trình vận chuyển trở nên rẻ, nhanh và đáng tin cậy.

Địa phương nhập cuộc mạnh mẽ

Trong nhiều năm nay, tìm đầu ra ổn định cho nông sản luôn là bài toán khó với các địa phương. Thời điểm này, một số địa phương đã lên kế hoạch tiêu thụ nông sản trước khi vụ thu hoạch chính thức bắt đầu và bán hàng theo phương thức livestream là một trong những lựa chọn hàng đầu.  

Xu hướng livestream bán hàng được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực trong 1-2 năm tới đây khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm - giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số. Đây là cơ hội lớn để tiêu thụ nông sản qua hình thức bán hàng livestream.

Điển hình như Quảng Ninh – năm nay lần đầu tiên địa phương này tổ chức phiên livestream bán sản phẩm vải chín sớm Phương Nam trên Fanpage Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh từ ngày 23-26/5 tới. Theo đó, địa điểm livestream sản phẩm là tại các vườn vải chín sớm Phương Nam. Trong quá trình livestream, đơn vị tổ chức sẽ phát các video quảng bá hình ảnh vải thiều chín sớm Phương Nam. Hoạt động mua bán sản phẩm sẽ được thực hiện trên cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Có thể thấy, việc livestream bán sản phẩm vải chín sớm Phương Nam là cách làm mới, thiết thực để tôn vinh loại nông sản địa phương có chất lượng tốt. Được biết, tính đến hết ngày 15/5, sản lượng thương lái đặt trước là gần 50% tổng sản lượng vùng vải. Hiện vùng vải chín sớm Phương Nam đang trong lộ trình chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng theo chuẩn OTAS (là phương pháp chuẩn hóa dữ liệu, liên kết dữ liệu một cách tập trung, trích xuất dữ liệu cần thiết từ các hoạt động liên quan đến vùng, vùng trồng, giám sát vùng trồng, kiểm soát dịch hại, phân tích nguy cơ dịch hại) với các tiêu chí về lập bản đồ vùng trồng và giám định, kiểm soát chất lượng khắt khe. Đây là bộ quy chuẩn quốc  tế, đáp ứng các tiêu chí để có thể xuất khẩu quả vải chín sớm Phương Nam vào các nước châu Âu.

Trao đổi với phóng viên VTVTimes, đại diện Sở Công thương Sơn La chia sẻ, từ sau dịch covid-19, nhiều nông dân trên cả nước nói chung và Sơn AL nói riêng đã thay đổi cách thức bán hàng, làm quen với việc livestream quảng bá, bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội hay thương mại điện tử. Năm 2024, Sơn La xác định rõ các loại quả như nhãn, xoài, mận, thanh long, mận, thanh long, sơn tra…là những sản phẩm chủ lực lớn và chúng tôi tiếp tục hỗ trợ người nông dân livestream bán hàng hóa./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước