Chỉ còn 3 tháng nữa, ngày 01/03/2016, quy định cuối cùng của Bộ Nông nghiệp Mỹ về chương trình giám sát các sản phẩm cá tra, cá basa nhập vào Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực. Ngày 1/9/2017, toàn bộ quy trình sản xuất cá da trơn Việt Nam phải được chứng minh tương đồng với quy chuẩn của USDA thay cho quy chuẩn trước đó của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Quy chuẩn của FDA chỉ vài trăm trang còn quy chuẩn của USDA dài gấp nhiều lần, đến hàng nghìn trang nhưng các doanh nghiệp Việt phải tiếp thu toàn bộ chỉ trong chưa đầy 2 năm. Tuy nhiên, đến giờ phút này, điều mà họ nhận được chỉ là những thông tin sơ bộ vài chục trang bằng tiếng Anh.
Đại diện Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho biết, đối với mặt hàng khác như thịt lợn và thịt gia cầm xuất khẩu vào Mỹ, việc xem xét cấp quy chuẩn tương đồng cho các nước được phép xuất khẩu phải mất ít nhất 8 năm nhưng với sản phẩm cá da trơn thời gian chuyển đổi này ngắn hơn đến 4 lần.
Ông John P.Connelly, Chủ tịch Hội Công nghiệp Cá Hoa Kỳ cho rằng: "Hai quy chuẩn của FDA và USDA là hai dạng quy chuẩn khác nhau nên Việt Nam có thể sẽ mất rất nhiều năm mới chuyển đổi thành công và đáp ứng được quy chuẩn của USDA chứ không đơn giản như thời hạn dưới 2 năm như 'quy định cuối cùng' đã ban hành".
Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2015, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 260 triệu USD. Nhưng chưa đầy 2 năm nữa, nếu không chuyển đổi, đáp ứng được quy chuẩn mới nghìn trang giấy, thị trường hàng trăm triệu USD này đang có nguy cơ vụt khỏi tay của doanh nghiệp Việt Nam.
Quy định mới của Mỹ về giám sát cá tra, cá basa sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2016. Và để áp dụng quy định mới, các nước sẽ có khoảng thời gian chuyển tiếp 18 tháng. Hiện Bộ NN&PTNT đã ra chỉ thị cho các bên liên quan cần có những giải pháp nhanh và hiệu quả để chứng minh Việt Nam có hệ thống quản lý đối với sản xuất, chế biến cá da trơn tương đồng với Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.