Tuy rất xót xa, nhưng ông Nguyễn Công Cảnh ở thôn 7, xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cũng đành phải phá bỏ hết diện tích rau ngò trồng xen trong đám bắp nhà mình. Dù đã có kinh nghiệm hàng chục năm trồng hoa màu, nhưng chưa bao giờ ông gặp cảnh rau bán rẻ như cho. Thậm chí, giá rẻ như vậy nhưng chẳng thấy thương lái nào đến mua.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, hàng ngàn nông dân tại các vựa rau lớn của tỉnh Gia Lai như: Pleiku, An Khê, Đăk Pơ.. đều trong tình cảnh thua lỗ vì không bán được. Nhiều người bỏ lại rau trắng đồng chẳng buồn thu hoạch, một số ít thì cố gắng vớt vát hái bán để kiếm chút tiền công.
Theo nông dân, trong mấy chục năm nay, chưa bao giờ giá rau lại rẻ như vậy: bắp sú chỉ còn 500 đồng/kg, hành lá chỉ từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg; cải cúc chỉ 300 đồng/1 bó… Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi người nông dân phải nhổ bỏ rau để làm thức ăn cho gia súc, thì ngược lại người tiêu dùng vẫn phải đi chợ mua rau với giá cao gấp 10-20 lần mức giá nông dân bán cho thương lái.
1kg bắp sú nông dân bán tại ruộng chỉ với giá 500 đồng, thế nhưng khi đưa ra đến chợ cách đó không xa, 1kg bắp sú được bán với giá 10.000 đồng, một mức giá khá chênh lệch. Mà theo như người nông dân thì chỉ cần rau bán tại ruộng với giá bằng khoảng 1/3 giá bán tại chợ thì nông dân đã có lãi.
Những ruộng hành, ruộng rau bị để mặc cho khô cháy. Thế nhưng vẫn có những đám ruộng khác được cày xới lên chuẩn bị cho vụ mới. Nói như ông Cảnh, bà Nữ, họ đã gắn bó mấy chục năm nay với ruộng, vườn nên dù thua lỗ, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần, họ vẫn phải tiếp tục lao động, sản xuất, vì nếu không thì họ chẳng biết làm gì để sống.