"Làm quy trình" để phá hàng ngàn ha rừng tự nhiên

Quang Hạnh (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Thứ ba, ngày 30/09/2014 10:59 GMT+7

Rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, rừng già vì mục đích nào đó được chuyển đổi thành rừng sản xuất và hàng ngàn ha rừng đã bị phá đi "đúng quy trình".

Tại Bình Phước, một số doanh nghiệp đang "làm quy trình" để lấy đi 512 ha rừng tự nhiên ở Tiểu khu 379. Đây vốn là khu rừng đang được những cựu chiến binh trông coi, bảo tồn từ nhiều năm nay.

Gần đây nhất, tháng 8/2014, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có Quyết định công nhận Tiểu khu 379 là nơi có nhiều cây di sản quý, cần được bảo tồn và gìn giữ. Tuy nhiên, theo Quyết  định thu hồi 512 ha rừng tại đây, tỉnh Bình Phước lại dựa vào đề án của Doanh nghiệp cao su Bình Phước xác định Tiểu khu 379 là khu vực rừng nghèo và có thể chuyển đổi sang trồng cao su.

Không chỉ tại Bình Phước, hàng ngàn ha rừng tự nhiên tại Tiểu khu 389, huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất để trồng cao su. Chỉ riêng trên địa bàn xã Lộc Bảo, huyện bảo Lộc có 19 doanh nghiệp được cấp phép chuyển đổi 5.000ha rừng tự nhiên thành rừng sản xuất. Đến thời điểm này 3.000ha đã cơ bản chuyển đổi xong.

Theo Đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, việc đánh giá rừng tại xã Lộc Bảo là nghèo kiệt là đúng quy trình và được phép chuyển đổi. Nhưng ở địa phương lại không nghĩ như vậy. Ông Chủ tịch xã Lộc Bảo không thể hiểu tại sao người ta lại gọi rừng trên địa bàn xã là rừng nghèo kiệt.

Theo Viện Quản lý rừng bền vững, nhiều người đang lợi dụng việc xây dựng quy trình thẩm định, phân loại rừng để đạt được mục đích riêng.

Đất rừng tự nhiên muốn được chuyển đổi sang rừng sản xuất để trồng các loại cây khác phải trải qua các quy trình khắt khe: Rừng phòng hộ/rừng tự nhiên/rừng già ---> Rừng sản xuất ---> Rừng sản xuất nghèo kiệt ---> Trồng cây khác.

Mỗi công đoạn phải do cơ quan chuyên trách điều tra, rà soát. Cơ quan cao nhất thường xuyên được giao trọng trách này là Viện Điều tra quy hoạch rừng. Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững, quy trình này tưởng chừng như được quy định chặt chẽ nhưng lại dễ dàng được hợp thức hóa.

Và như vậy, hàng ngàn ha rừng đã bị phá đi đúng quy trình. Trong khi đó, những cánh rừng bị phá vì mục đích gì thì chỉ có những người tự tay làm mới có thể biết rõ. Người dân có thể sống được nhờ rừng hay không? Hay chỉ có các doanh nghiệp là sống được nhờ rừng?

Câu trả lời sẽ có trong chương trình Tiêu điểm tuần này. Mời quý vị và các bạn theo dõi.

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước