VTV.vn -Không chỉ là trào lưu tức thời, các sản phẩm chế biến từ thanh long được kỳ vọng góp phần tạo đầu ra lâu dài cho loại nông sản này, thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Những ngày gần đây, người dân TP.HCM xếp hàng dài trước cửa hàng bánh mì của ông Kao Siêu Lực để được thưởng thức những chiếu bánh mì được làm từ Thanh Long độc đáo. Với ý tưởng ban đầu chỉ là giải cứu nông sản nhưng nay sản phẩm này đã trở thành thứ đặc sản. Mỗi chiếc bánh mì có giá 6.000 đồng và mỗi người đến đây mua cũng chỉ được giới hạn mua 5 chiếc. Những mẻ bánh mì Thanh Long nóng hổi liên tục ra lò với màu sắc bắt mắt, mùi thơm nức mũi, khách hàng phần nhiều vì tò mò, phần vì ăn thử thấy ngon nên quay lại không ngại xếp hàng chờ đợi.
Mỗi ngày, ông Kao Siêu Lực mua 1,5 tấn thanh long ruột đỏ để làm nguyên liệu sản xuất 30.000 chiếc bánh mì. Với mong muốn ai ai cũng có thể làm được loại bánh mì đặc biệt này, ông Kao Siêu Lực đã chia sẻ công khai công thức làm bánh trên mạng xã hội và xem đó là tài sản chung chứ không của riêng ông.
Trào lưu bánh mì thanh long giải cứu nông sản đã nhanh chóng được lan tỏa. Hệ thống siêu thị BigC cũng tung ra thị trường một số loại sản phẩm như bánh mì, thạch rau câu, nước ép hoa quả làm từ thanh long và dưa hấu.
Câu chuyện chiếc bánh mì Thanh Long ở TP.HCM cũng đã truyền cảm hứng đến ông Hoàng Tùng, chủ một chuỗi Pizza ở Hà Nội để cho ra đời chiếc pizza mang hương vị thanh long.
Đợt dịch bệnh lần này tác động tiêu cực đến tiêu thụ nông sản trước mắt. Nhưng ở góc độ khác, việc bị dồn vào chân tưởng lại là cơ hội để các nhà sản xuất bật ra các ý tưởng sáng tạo, các công thức chế biến độc đáo từ chính các nguyên liệu ngon, bổ, rẻ của dân mình. Đây là giải pháp không chỉ trong ngắn hạn mà còn tạo nguồn tiêu thụ nông sản bền vững cho bà con.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!