VTV.vn - Do thói quen tiêu dùng của người địa phương, nhiều nhãn hàng nước ngoài vào Việt Nam đã thay đổi chiến lược sản phẩm để thích ứng với khẩu vị của người tiêu dùng.
Mới đây, một sản phẩm mới như Pizza bún đậu mắm tôm đã thu hút sự quan tâm vì sự kết hợp lạ giữa một sản phẩm nước ngoài và hương vị địa phương. "Bản địa hóa" sản phẩm đồ ăn, thức uống như thế ngày càng trở nên rõ nét tại thị trường Việt Nam.
Được biết đến với thương hiệu cà phê hòa tan, nhưng mới đây, Nestle gây chú ý khi cho ra đời sản phẩm cà phê rang xay. Thói quen sử dụng cà phê pha phin đậm đặc là lý do cho sự chuyển hướng này.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, một chuyên gia nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam, nếu như trước đây, việc "địa phương hóa" sản phẩm của các doanh nghiệp đa quốc gia chỉ chiếm khoảng 30%, thì thời gian gần đây, sự bản địa hóa đã có phần cao hơn. Các doanh nghiệp chỉ giữ 50-60% các giá trị cốt lõi, nửa còn lại dành cho các sản phẩm mang tính địa phương, phù hợp với xu hướng bán lẻ thế giới là cá nhân hóa theo nhu cầu con người.
Mặc dù "bản địa hóa" đồ ăn, thức uống đang là xu hướng của các nhãn hàng nước ngoài cho phù hợp với khẩu vị của người Việt, tuy nhiên, đó không phải là sự thay thế những sản phẩm đặc trưng của thương hiệu.
Đến nay, nhiều sản phẩm mang tính "bản địa hóa" thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng bởi tính lạ và mới. Tuy nhiên, tuổi đời của các sản phẩm đó tồn tại được bao lâu thì lại phụ thuộc vào sự đón nhận của người tiêu dùng. Sự đón nhận đó không chỉ có lạ, có sự đảm bảo của thương hiệu mà cần đến ngon và hợp khẩu vị của số đông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!