Chương trình Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 16/8 có chủ đề phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô. Là nơi hội tụ, kết tinh lan tỏa tinh hoa văn hóa của cả nước, có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa khi tập trung đầu tư một số lĩnh vực giàu lợi thế như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, mỹ thuật… Sự hiện diện của ngày càng nhiều không gian sáng tạo ở Hà Nội, từ nội thành đến các vùng ven đô cho thấy truyền thống sáng tạo đã và đang được kết nối trên mảnh đất này, không chỉ giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, làm giàu bản sắc đô thị mà còn góp phần củng cố hệ sinh thái sáng tạo ở thủ đô di sản.
Biến không gian văn hóa kiến trúc thành nền tảng để sáng tạo các sản phẩm du lịch là một trong nhiều giải pháp để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với thế mạnh du lịch văn hóa, nhiều di tích đã hồi sinh, thắp sáng về đêm, trở thành sản phẩm du lịch đêm ấn tượng nhờ kết hợp với công nghệ như 3D Mapping, âm nhạc, kỹ xảo… Những sự kiện trình diễn nghệ thuật ánh sáng ngoạn mục, hấp dẫn lan tỏa hình ảnh thông điệp về văn hóa lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Không chỉ vậy, du lịch đêm của Hà Nội còn là sự sống động, nhộn nhịp gắn kết người dân và du khách tại các khu phố cổ trong bức tranh 36 phố phường.
Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được thành phố Hà Nội đặt ra, nhằm quán triệt cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đồng thời hiện thực hóa Nghị quyết của Trung ương về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2045 với yêu cầu Hà Nội phải tập trung phát triển văn hóa thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho thủ đô.
“Xuất phát từ chủ trương xuyên suốt của thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ, đó là khai thác và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, cũng như giá trị văn hóa mới của thu đô, việc tham gia thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa là một chuỗi có sự liên kết với nhau, cái này thúc đẩy cái kia. Từ đó, nó tạo nên sự chuyển biến toàn diện trên hầu như tất cả các lĩnh vực. Các ngành nghề thuộc lĩnh vực đã bước đầu lan tỏa, có sản phẩm và kết quả đáng mừng, tuy chưa phải là đáp ứng được như mong muốn”, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ.
Năm 2024 là một năm đặc biệt với thủ đô Hà Nội, kỷ niệm 70 năm Giải phóng thủ đô. Hàng loạt sự kiện văn hóa, lễ hội đã và sẽ được diễn ra, với chuỗi 50 hoạt động tâm điểm. Điều đó được kỳ vọng là sẽ tạo nhiều điểm nhấn, mang lại những hiệu quả tích cực cho công nghiệp văn hóa thủ đô. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện văn hóa, thiết kế sáng tạo diễn ra vào cuối năm sẽ mang lại cho công chúng những trải nghiệm đặc sắc về văn hóa du lịch ở Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!