Khoảng 50.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Anh được mở cửa từ 7 giờ địa phương (tức 13 giờ Việt Nam) đến 22h. Cử tri Anh sẽ lựa chọn 650 nghị sĩ trong số hơn 3.900 ứng cử viên tranh cử tại 650 đơn vị bầu cử. Chính đảng nào giành được nhiều ghế nghị sĩ nhất sẽ được quyền thành lập chính phủ mới và lãnh đạo đảng đó sẽ trở thành thủ tướng.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, lãnh đạo các chính đảng Anh đã đi khắp đất nước để gặp gỡ cử tri, thuyết phục họ tin tưởng vào cương lĩnh tranh cử của đảng mình. Trong các cuộc vận động, Thủ tướng David Cameron luôn nhấn mạnh tới thành tích của chính phủ Bảo thủ trong việc đưa nước Anh vượt qua suy thoái để đạt tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, tạo thêm hàng triệu việc làm và giảm thâm hụt xuống còn 1/3 so với thời điểm năm 2010.
Trong khi đó, Thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband cam kết nếu thắng cử sẽ tập trung giải quyết điều mà ông gọi là cuộc khủng hoảng chất lượng sống của người Anh, chú trọng bảo vệ quyền lợi người lao động và thu hẹp bất bình đẳng xã hội.
Sau 5 tuần tranh cử quyết liệt, các cuộc thăm dò cuối cùng trước bầu cử cho thấy tỉ lệ ủng hộ giữa hai chính đảng lớn nhất là Đảng Bảo thủ và Công đảng vẫn gần như ngang bằng nhau ở mức 33 - 34%, đồng nghĩa với việc sẽ không có đảng nào giành được đa số quá bán (326 ghế) để có thể thành lập chính phủ.
Như vậy, chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử nhiều khả năng tiếp tục là một chính phủ liên minh. Tuy nhiên, còn rất nhiều cử tri Anh vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào và sự thay đổi vào phút chót của họ có thể làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử vốn được đánh giá là rất sít sao này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.