Ngày trả lương công bằng hiện đang được áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới.
“Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới?” - đây là câu hỏi đã được đặt ra từ hàng chục năm trước mà hiện nay vẫn chưa có câu trả lời. Muốn có được kết quả như vậy, cần có những nỗ lực rất lớn của các chính phủ từ nhận thức của từng chủ doanh nghiệp cho đến sự đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ giới.
Tại một số quốc gia như: Anh, Đức và Mỹ, hàng năm có một ngày đặc biệt gọi là Ngày trả lương công bằng. Ngày này thay đổi hàng năm do phụ thuộc vào sự tính toán về chênh lệch thu nhập giữa phụ nữ và nam giới trong năm đó.
Là một nước luôn được đánh giá cao về việc thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa hai giới, năm 2003, Na Uy đã tiên phong áp đặt quy định hạn ngạch về giới, yêu cầu các công ty phải có ít nhất 40% thành viên Hội đồng quản trị là nữ. Vương quốc Anh đang xem xét dự luật về minh bạch tiền lương; theo đó, các công ty có từ 250 nhân viên trở lên bắt buộc phải công bố sự khác biệt trong lương bổng giữa nam giới và nữ giới. Chính quyền của Thủ tướng David Cameron hy vọng, động thái này sẽ nâng mức lương của phụ nữ gần hơn với nam giới và rút ngắn thời gian thu hẹp khoảng cách thu nhập xuống chỉ còn 1 thế hệ.
Một báo cáo hồi đầu năm 2015 của Liên Hợp Quốc cho rằng, các chính sách khuyến khích đàn ông tham gia tích cực hơn vào công việc chăm sóc con cái có thể làm giảm bất bình đẳng giới về thu nhập.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.