Những tuyên bố đầy tích cực, những lời ca ngợi đã được dành cho kết quả vừa đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh COP21. Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần này là nơi ghi nhận một bước đi mạnh mẽ và tích cực nhất từ trước tới nay của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris sẽ đi vào lịch sử là văn kiện quốc tế có ý nghĩa quan trọng, đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu: từ tình trạng hạn hán, lũ lụt, bão tố diễn ra ngày một phổ biến cho tới nguy cơ nhiều hòn đảo và quốc đảo bị xóa sổ trên bản đồ do mực nước biển dâng cao. Cái giá phải trả nếu không có hành động kịp thời vô cùng lớn và sẽ không thể đong đếm bằng tiền.
12 tảng băng trôi khổng lồ từ Greenland đã được đưa tới đặt tại quảng trường thủ đô Paris của nước Pháp đúng thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh COP21. 12 tảng băng xếp hình chiếc đồng hồ là bằng chứng có thể sờ nắm được về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu cũng như sự mong manh của sự sống trước thời gian.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có hơn 7 triệu người chết trên toàn thế giới do ô nhiễm không khí. Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân dẫn đến những hình thái thời tiết cực đoan, như hạn hán, lũ lụt, những trận cháy rừng, những cơn bão nhiệt đới diễn ra với mật độ dày đặc, cướp đi hàng ngàn mạng sống cũng như tước đoạt kế sinh nhai của hàng triệu con người.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, năm 2015 là năm nóng nhất được ghi nhận kể từ năm 1880. Thế nhưng năm sau 2016 được dự đoán sẽ còn nóng hơn nữa.
Hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, hãy cố gắng giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5 độ C và các đoàn đại biểu không thể ra về tay không. Hội nghị thượng đỉnh Paris phải thành công.
Những thông điệp này đã được lắng nghe và Hội nghị thượng đỉnh Paris về biến đổi khí hậu đã tránh được cái kết thất bại vào phút chót của Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen năm 2009.
Nhưng những gì mà các nhà lãnh đạo đạt được tại COP21 mới chỉ là điểm bắt đầu của một hành trình khó khăn mới, thay đổi mô hình phát triển kinh tế, tránh phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, điều sẽ thực sự làm thay đổi thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.