Với công nghệ y tế phát triển, chi phí thấp, vấn đề pháp lý không phức tạp và đặc biệt là nguồn cung dồi dào những người sẵn sàng mang thai hộ là những phụ nữ nghèo đã khiến Ấn Độ trở nên nổi tiếng thế giới với ngành công nghiệp đẻ thuê.
Với nhiều phụ nữ nghèo tại Ấn Độ, một lần mang thai hộ có thể là cơ hội để đổi đời, để thay đổi vận mệnh của cả gia đình. Tuy nhiên, cái giá mà họ phải trả cũng thật xót xa, đôi khi bằng cả chính tính mạng của mình.
Giấc mơ có một tương lai tốt đẹp hơn đã thúc đẩy nhiều phụ nữ nghèo Ấn Độ trở thành những người đẻ thuê. Nhận một ca đẻ thuê, phụ nữ Ấn Độ sẽ có thu nhập bằng số tiền cả đời họ dành dụm từ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, cái giá phải trả đôi khi thật xót xa khi đã có những phụ nữ thiệt mạng sau khi sinh con hộ cho các cặp vợ chồng nước ngoài. Trong khi đó, gia đình và người thân của những phụ nữ xấu số này lại không thể đòi hỏi một khoản đền bù nào do không có một quy định pháp lý cụ thể.
Một số tổ chức bảo vệ nữ quyền ở Ấn Độ cho rằng, nhiều phụ nữ nghèo của Ấn Độ đang bị biến thành những cỗ máy sản xuất em bé mà không được đảm bảo về sức khỏe và tính mạng khi sự cố xảy ra.
Vẫn biết, nhờ ngành công nghiệp đẻ thuê, rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã tìm thấy niềm vui sướng, hạnh phúc được làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu những phụ nữ nghèo tại Ấn Độ có đang bị bóc lột bởi ngành công nghiệp không được kiểm soát này hay không.
Chính việc thiếu những quy định pháp luật về mang thai hộ đã tạo kẽ hở cho nhiều người nước ngoài lợi dụng dịch vụ mang thai hộ tại Ấn Độ.
Với lệnh cấm dịch vụ đẻ thuê cho người nước ngoài sắp ban hành, Chính phủ Ấn Độ đã khẳng định quyết tâm không để quốc gia này là thiên đường đẻ thuê nữa.
Trước Ấn Độ, Chính phủ Thái Lan cũng đã ban hành lệnh cấm người nước ngoài thuê phụ nữ Thái Lan mang thai hộ sau hàng loạt rắc rối liên quan đến dịch vụ này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.