Đối thoại Shangri-La 2015 - Sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua (25/5 – 31/5)

PV-Chủ nhật, ngày 31/05/2015 05:00 GMT+7

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trong lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La 2015 tối ngày 29/5. (Ảnh: CNA)

VTV.vn - Khai mạc Đối thoại Shangri-La (Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á) 2015 chính là sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua.

1. Khai mạc Đối thoại Shangri-la 2015: Biển Đông tiếp tục là chủ đề nóng

Đối thoại Shangri-La 2015 - Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực đã khai mạc tối 29/5 tại Singapore.

Tham gia Đối thoại năm nay có các Bộ trưởng, Tư lệnh quốc phòng đến từ gần 30 quốc gia trên thế giới. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại, nơi mà nhiều vấn đề nóng liên quan đến tình hình an ninh khu vực sẽ được thảo luận.

Diễn ra trong ba ngày từ 29 đến 31/5, Đối thoại Shangri-La bao gồm nhiều phiên thảo luận đề cập đến những chủ đề chính như thách thức an ninh châu Á - Thái Bình Dương, những hình thức hợp tác an ninh mới ở châu Á, phòng ngừa xung đột leo thang, phòng tránh chạy đua vũ trang ở châu Á cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các khu vực.

Trong bài phát biểu khai mạc, với tư cách là khách mời đặc biệt, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã trình bày rõ quan điểm của Singapore về vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Singapore cho rằng, các nước dù không có tranh chấp và không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng đều có phần liên quan trong các tranh chấp hàng hải.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, tất cả các nước châu Á đều thua thiệt nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa bởi các tuyến đường giao thông hàng hải và hàng không chính đều qua Biển Đông.

Singapore và mọi quốc gia có trao đổi thương mại qua Biển Đông hay có tàu và máy bay sử dụng tuyến đường qua Biển Đông đều quan tâm việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại tuyến đường huyết mạch này.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, các tranh chấp hàng hải sẽ không giải quyết ngay trong thời gian ngắn nhưng có thể được quản lý và kiểm soát. Nếu tình trạng vẫn tiếp diễn như hiện nay, nhiều căng thẳng và hệ quả xấu có thể sẽ xảy ra.

Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi Trung Quốc và ASEAN cần sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Ông cũng cho rằng các bên liên quan cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp hiện nay.

Ông cho rằng về lâu dài, sự trật tự khu vực ổn định không thể duy trì chỉ bằng sức mạnh vượt trội mà nó cần có tính hợp pháp và được cộng đồng quốc tế công nhận.

*Trong bài thuyết trình với chủ đề "Cấu trúc an ninh khu vực nơi tất cả cùng phát triển", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và khẳng định Mỹ sẽ thực hiện quyền tự do đi lại hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế. Ông Carter cũng kêu gọi Trung Quốc "ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn" các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cùng với sự phát triển của cả châu Á và Mỹ thì nhiều thách thức đang nổi lên ở khu vực, ví dụ như tình hình Triều Tiên, các tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ về các bãi đá tạo nên tranh cãi về quyền đánh bắt, năng lượng, tự do đi lại trên các tuyến đường biển và đường không quốc tế.

Đề xuất về một cấu trúc khu vực mà các bên cùng phát triển, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, trước hết cần phải tái khẳng định các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, nhấn mạnh cần giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình; thứ hai là tăng cường thể chế, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ ba là đổi mới các mối liên kết đồng minh và đối tác; thứ tư là nâng cao năng lực an ninh, trong đó ông thông báo rằng Bộ Quốc phòng Mỹ phát động một chương trình An ninh hàng hải Đông Nam Á, viện trợ 425 triệu USD để giúp các nước trong khu vực tập trận, mua trang thiết bị, tăng khả năng quân sự; và cuối cùng là thúc đẩy xây dựng các hành vi hợp tác.

*Cũng trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 14, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ngày hôm nay cũng đã lên tiếng cảnh báo các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông có nguy cơ đẩy khu vực vào hỗn loạn, đồng thời hối thúc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, ông Gen Nakatani tuyên bố, nếu để mặc mọi tình huống phi pháp, trật tự sẽ sớm bị đảo lộn, hòa bình và ổn định sẽ không còn nữa. Ông cũng hy vọng và trông đợi tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, hành xử có trách nhiệm.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nakatani cũng đề xuất "Sáng kiến Đối thoại Shangri-La" gồm 3 giải pháp nhằm tăng cường an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, trong đó có việc các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giám sát 24/24 giờ không phận khu vực. Tuy nhiên, việc thiết lập bất kỳ hệ thống kiểm soát an toàn 24/24 giờ đối với 10 nước ASEAN sẽ cần có trình độ hội nhập nhất định mà hiện khối chưa thiết lập.

 

Khai mạc Đối thoại Shangri-la 2015: Biển Đông tiếp tục là chủ đề nóng Khai mạc Đối thoại Shangri-la 2015: Biển Đông tiếp tục là chủ đề nóng

VTV.vn - Đối thoại Shangri-la 2015 - Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực vừa khai mạc tối nay (29/5) tại Singapore.

 

2. Nhật Bản - EU quan ngại về căng thẳng Biển Đông

Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị cấp cao Nhật Bản - Liên minh châu Âu diễn ra ở Tokyo ngày 29/5, Nhật Bản và EU cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình tại Biển Đông, Biển Hoa Đông và quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, Nhật Bản và EU kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trên biển.

Nhật Bản và EU đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng khu vực.

 

Nhật Bản - EU quan ngại về căng thẳng Biển Đông Nhật Bản - EU quan ngại về căng thẳng Biển Đông

VTV.vn - Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã bày tỏ quan ngại về các động thái vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

3. Mỹ chính thức đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố

Mỹ vừa tiến thêm một bước trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/5 đã ra thông cáo chính thức đưa Cuba ra khỏi danh sách Mỹ gọi là "các nước bảo trợ khủng bố".

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, Cuba đã chính thức không còn nằm trong danh sách trên sau khi Quốc hội Mỹ trong vòng 45 ngày không phản đối đề nghị hôm 14/4 của Chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Động thái trên đồng nghĩa với việc hàng loạt rào cản về thương mại-tài chính và đi lại mà Washington áp đặt từ năm 1982 đối với Cuba sẽ được loại bỏ. Quyết định của Quốc hội Mỹ cũng sẽ mở đường cho việc hai bên mở lại các Đại sứ quán ở thủ đô mỗi nước sau hơn nửa thế kỷ.

 

Mỹ chính thức đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố Mỹ chính thức đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố

VTV.vn - Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/5 đã ra thông cáo chính thức đưa Cuba ra khỏi danh sách Mỹ gọi là "các nước bảo trợ khủng bố".

 

4. Hơn 1.800 người chết do nắng nóng tại Ấn Độ

Truyền thông Ấn Độ cho biết, tính đến chiều 28/5, tổng số người tử vong do nắng nóng tại nước này đã lên tới hơn 1.800 người.

Tại bang Andhra Pradesh, số người tử vong đã lên tới 1.334 người, tăng 314 người so với thống kê cập nhật ngày 27/5. Trong khi đó, số người tử vong tại bang Telangana là 440 người. Các bang khác như Odisha, Gujarat  và Dehli cũng ghi nhận nhiều trường hợp tử vong.

Cơ quan Khí tượng Ấn Độ khuyến cáo, nắng nóng tiếp tục trong vài ngày tới tại nhiều khu vực của nước này. Ngày 28/5, nhiệt độ tối đa tại Delhi đã giảm xuống còn 41,1 độ C, nhưng vẫn cao hơn bình thường ở thời điểm này của những năm trước. Trong khi đó, tại hầu hết các khu vực thuộc bang Haryana và Punjab nhiệt độ tối đa dao động từ 41 - 44 độ C.

Theo Cơ quan Khí tượng Ấn Độ, tình trạng nắng nóng tại Ấn Độ được dự báo sẽ giảm bớt khi mùa mưa bắt đầu vào cuối tháng này.

 

Hơn 1.800 người chết do nắng nóng tại Ấn Độ Hơn 1.800 người chết do nắng nóng tại Ấn Độ

VTV.vn - Truyền thông Ấn Độ cho biết, tính đến chiều 28/5, tổng số người tử vong do nắng nóng tại nước này đã lên tới hơn 1.800 người.

 

5. LHQ họp về khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á

Hội đồng Bảo an LHQ đã có phiên họp kín về cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan đến người di cư Rohingya từ Myanmar và Bangladesh vượt biển tới Malaysia và Indonesia.

​Theo báo cáo của Cao ủy LHQ về quyền con người trình bày tại phiên họp, trong quý I năm nay, có tới 25.000 người đã chạy khỏi Myanmar và Bangladesh, trong đó có ít nhất 1.000 người đã chết trên biển. Nhiều người khác đã bị tội phạm ngược đãi và bị cướp bóc.

Kể từ khi Thái Lan phát động một chiến dịch truy quét các băng nhóm buôn người, trong những tuần gần đây, đã có hơn 3.000  người di cư từ Myanmar và Bangladesh đã vượt biển tới Indonesia và Malaysia. Khoảng 2.600 được cho là vẫn còn trôi dạt trên các tàu bị bỏ rơi.

LHQ hoan nghênh những bước tiến gần đây của các quốc gia trong khu vực về việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á, song cũng kêu gọi các thỏa thuận cần mạnh mẽ hơn cho việc bảo vệ cả người di cư và người tị nạn.

 

LHQ họp về khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á LHQ họp về khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á

VTV.vn - Hội đồng Bảo an LHQ đã có phiên họp kín về cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan đến người di cư Rohingya từ Myanmar và Bangladesh vượt biển tới Malaysia và Indonesia.

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam  TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước