Tổng thống Senegal Macky Sall, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Maltese Joseph Muscat trong một cuộc họp báo vào cuối của Hội nghị thượng đỉnh tại Malta ngày 12 tháng 11 năm 2015. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu sau khi ký thỏa thuận trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi các nước thành viên EU tiếp tục đóng góp và hợp thức hóa quỹ trị giá 1,8 tỷ Euro này. Cho đến nay, có 25 trong tổng số 28 nước thành viên EU và 2 quốc gia ngoài EU là Na Uy và Thụy Sĩ cam kết đóng góp khoảng 78,2 triệu Euro cho quỹ này. Trong khi đó, Tổng thống Senegal Macky Sall cùng một số nhà lãnh đạo châu Phi khác cho biết, với mức đóng góp hiện nay, quỹ ủy thác dành cho châu Phi là chưa đủ.
Quỹ ủy thác được thành lập nhằm giải quyết tận gốc các vấn đề như đói nghèo, bạo lực - nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di cư được coi là lớn nhất kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Thông qua chương trình tạo việc làm và tăng cường nỗ lực ngoại giao, các nhà lãnh đạo EU và châu Phi hy vọng sẽ giảm hoặc chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra tại nhiều khu vực của lục địa này. EU cũng hy vọng, hai bên sẽ ký kết kế hoạch hành động gồm 5 điểm với châu Phi nhằm tăng cường sự hợp tác chung trấn áp các tổ chức buôn người cũng như nhận lại những người di cư bị châu Âu trả về.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.