Hiệp ước Schengen trước nguy cơ đổ vỡ

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 04/12/2015 18:10 GMT+7

VTV.vn - Đã có những lo ngại rằng, biện pháp tái lập biên giới trong dài hạn sẽ có ảnh hưởng tới sự tồn tại của Hiệp ước Schengen.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ngừng thực hiện Hiệp ước Schengen là đi ngược với tinh thần chung của Hiệp ước này, thể hiện sự thiếu đoàn kết giữa các nước thành viên, thiếu quyết tâm chính trị trong việc chia sẻ gánh nặng và kiểm soát biên giới ngoài của EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chỉ là một trong số các lãnh đạo EU bày tỏ quan ngại về tương lai của Hiệp ước Schengen. Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem từng cho rằng, Hiệp ước Shengen có nguy cơ đổ vỡ nếu châu Âu không thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng di cư đang tạo ra nhiều rủi ro cho lục địa này.

Trước làn sóng người di cư, một số nước châu Âu đã đưa ra những đề xuất không chính thức về việc thu hẹp khu vực Schengen với lý do dòng người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi có thể tràn vào châu Âu thông qua các nước Trung Âu. Theo đề xuất này, một số nước Tây Âu như: Hà Lan, Thụy Điển và Áo sẽ thiết lập một Shengen thu nhỏ, chỉ cho phép công dân những nước này được đi lại tự do.

Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của Bộ tứ Visegrad (4 nước Đông Âu gồm Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan và Sloviakia). Đại diện các nước Visegrad phản đối mọi ý định trực tiếp hay gián tiếp nhằm hạn chế quyền tự do đi lại của người dân trong khuôn khổ EU. Thay vào đó, Visegrad cho rằng, các nước thành viên EU phải có trách nhiệm bảo vệ và tăng cường kiểm soát các đường biên giới bên ngoài của khu vực Schengen. Bốn nước này cũng tuyên bố thành lập nhóm "Những người bạn của Schengen" để điều tiết dòng người di cư vào Liên minh châu Âu.

Việc EU phải cân nhắc biện pháp ngừng thực thi Hiệp ước Schengen đã cho thấy chương trình hội nhập 20 năm tuổi đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sức ép chính trị từ làn sóng hơn 1 triệu người di cư đổ vào EU trong năm 2015. Bên cạnh vấn đề di cư, an ninh cũng là một yếu tố khiến các nước thành viên phải xem xét chính sách mở cửa biên giới. Hiện đã có nghi vấn rằng những kẻ khủng bố tại Paris ngày 13/11 đã di chuyển dễ dàng qua hàng loạt biên giới châu Âu từ Syria về Pháp để tiến hành các vụ tấn công khủng bố.

Quyết định cuối cùng về tương lai của Hiệp ước Schengen sẽ được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 12/2015.

Hiệp ước Schengen là hiệp ước về đi lại tự do được 26 nước châu Âu ký kết. Các nước tham gia hiệp ước được gọi là Hệ thống Schengen, với quy định việc đi lại tự do đối với công dân của 22 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cùng với Na Uy, Island, Liechtenstein và Thụy Sĩ. Công dân các nước khu vực miễn thị thực Schengen hoặc người có visa Schengen được cấp tại bất kỳ nước nào trong số 26 quốc gia nói trên đều được đi lại tự do trong khu vực này. Tuy nhiên, cơ chế đi lại tự do này đang chịu sức ép sau khi làn sóng di cư đột ngột vào châu Âu năm 2015

EU cân nhắc tạm ngừng Hiệp ước Schengen EU cân nhắc tạm ngừng Hiệp ước Schengen

VTV.vn - Các Bộ trưởng Nội vụ EU sẽ thảo luận trong ngày hôm nay (4/12) về việc tạm ngừng thực hiện khu vực đi lại miễn thị thực Schengen trong hai năm.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước