Đại diện các bên dự Hội nghị quốc tế Rome nhằm chấm dứt xung đột ở Libya ngày 13/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Hamid al-Bandag, thành viên Quốc hội Libya được quốc tế công nhận ở thành phố Tobruk và ông Saad Abu-Sharada, thành viên Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ của Libya ở thủ đô Tripoli) cho biết, thỏa thuận thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ được ký vào ngày 17/12 thay vì ngày 16/12 theo kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, lý do hoãn ký thỏa thuận không được công bố.
Trước đó, ngày 6/12, sau các cuộc đàm phán diễn ra tại Tunisia, các phe đối địch Libya đã nhất trí ấn định ngày 16/12 ký thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian nhằm thành lập một Chính phủ đoàn kết dân tộc.
Ngày 13/12, đại diện của 17 nước và 4 tổ chức tham gia hội nghị quốc tế về Libya tại Rome (Italy) đã ký thông cáo chung kêu gọi các bên giao tranh tại Libya ngừng bắn để mở đường cho thỏa thuận thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc. Thông cáo nêu rõ, chỉ có một Chính phủ duy nhất mới có thể đem lại sự đoàn kết, ổn định và chấm dứt tình trạng bất ổn ở Libya. Ngoài ra, các nước và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị cũng cam kết sẽ hỗ trợ về chính trị, kinh tế và an ninh cho quốc gia Bắc Phi này, đồng thời khẳng định sẽ cắt đứt liên lạc với phe nào không ký vào thỏa thuận.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. GNC là Quốc hội đã mãn nhiệm của Libya song không chịu từ nhiệm và tự thành lập Chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của các nhóm phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya. Quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng 2 Chính phủ và hai Quốc hội cùng tồn tại song song. Từ tháng 9/2014, Liên Hợp Quốc đã làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.