Mô phỏng phút cuối của chiếc máy bay Ai Cập mang số hiệu MS 804, mất tích lúc 1 giờ 30 phút chiều ngày 19/5, trên máy bay chở 66 người. (Ảnh: DailyMail)
1. Máy bay Ai Cập mất tích
Sáng 19/5, một chiếc máy bay Airbus A320 thuộc hãng hành không EgyptAir (Ai Cập) đã mất tích trên hành trình từ Paris đến Cairo. Theo đó, chiếc máy bay khởi hành từ sân bay Charles De Gaulle, Pháp vào lúc 11h09 (theo giờ địa phương) và dự kiến sẽ có mặt tại Cairo, Ai Cập lúc 3h05 (theo giờ địa phương).
EgyptAir cũng cho biết chiếc máy bay Ai Cập này đang bay ở độ cao 37.000 ft (khoảng hơn 11.000m) và đã đi vào không phận Ai Cập trước khi bất ngờ mất tích trên hệ thống radar.
Chiếc máy bay này được xác định rơi xuống biển Địa Trung Hải. Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập Sherif Fathy thông báo rằng không có ai sống sót trong vụ máy bay rơi.
Cơ quan vũ trụ châu Âu ngày 20/5 cho biết, một vệ tinh của châu Âu đã phát hiện một dấu vết có thể là vệt dầu loang ở Đông Địa Trung Hải, song chưa khẳng định vết dầu loang đó là của máy bay EgyptAir. Quá trình tìm kiếm hiện tập trung vào việc phát hiện hộp đen ghi lại dữ liệu chuyến bay. Tuy vẫn chưa có kết luận chính thức về số phận của chiếc máy bay, song giới chức Ai Cập cho rằng nhiều khả năng máy bay bị rơi do hành động khủng bố.
2. NATO chính thức ký nghị định thư kết nạp Cộng hòa Montenegro
Tối 19/5 (giờ Việt Nam), tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels (Bỉ), các Ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên NATO và Thủ tướng Cộng hòa Montenegro Milo Dukanovic đã ký nghị định thư kết nạp quốc gia Balkan này vào liên minh quân sự.
Đây là bước đệm để Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của NATO và là bước đi mang tính tượng trưng vì trùng với kỷ niệm 10 năm ngày độc lập của Montenegro.
3. EU thông qua cơ chế ngừng miễn visa
Ngày 20/5, các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một cơ chế khẩn cấp, cho phép các quốc gia châu Âu lập tức ngừng chương trình miễn thị thực vào châu Âu đối với công dân của nhiều quốc gia nếu những điều kiện chủ chốt bị vi phạm.
Cơ chế nói trên sẽ cho phép các quốc gia thành viên EU cắt giảm thời gian chương trình miễn thị thực cho khoảng 60 quốc gia nếu có một số lượng lớn người cư trú trái phép trong EU hoặc có số lượng lớn đơn xin tị nạn từ những nước đã được nới lỏng quy chế thị thực.
4. Nhân bản thành công virus Zika
Các nhà khoa học Mỹ thông báo đã lần đầu tiên nhân bản thành công chủng virus Zika, qua đó mở ra triển vọng cho việc điều chế vaccine phòng ngừa loại virus nguy hiểm này.
Trong công trình của mình, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Texas Medical Branch đã lần đầu tiên nhân bản vô tính 5 đoạn gen riêng rẽ và sau đó ghép chúng lại với nhau để tạo thành một "bản sao" hoàn chỉnh của chủng virus Zika. Sau đó, họ đã sử dụng chuột để thí nghiệm, nhằm chứng minh rằng virus nhân bản cũng khiến những con chuột bị lây nhiễm virus Zika và bị mắc bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
Các nhà khoa học nhận định, việc nhân bản virus Zika là một bước tiến lớn giúp giải mã việc tại sao virus này lại có liên quan tới các bệnh nghiêm trọng. Bên cạnh đó, công trình còn là bước tiến quan trọng trong quá trình nghiên cứu, điều chế ra vaccine và thuốc chống virus Zika.
5. NASA tìm thấy oxy trên sao Hỏa
Lần đầu tiên trong 40 năm, các nhà khoa học của NASA đã tìm thấy nguyên tử oxy trong bầu khí quyển của sao Hỏa nhờ thiết bị quan sát tầng bình lưu thiên văn hồng ngoại.
Các nguyên tử oxy đã được tìm thấy trong tầng bình lưu của Hỏa tinh. Phát hiện này có thể giúp các nhà thiên văn xác định nguyên nhân nào đã khiến bầu khí quyển quanh sao Hỏa bị biến mất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.