Hàng nghìn nhập cư ngồi trước nhà ga quốc tế Keleti ở thủ đô Budapest, Hungary hôm 2/9. (Ảnh: AFP)
1. Hội nghị Ngoại trưởng EU "nóng" về cuộc khủng hoảng di cư
Cuộc khủng hoảng người di cư là chủ đề được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp Ngoại trưởng EU diễn ra tại Luxembourg vào ngày 4/9.
Tại cuộc họp, các Ngoại trưởng đã cùng nhau tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn cho dòng người di cư từ châu Phi và Trung Đông đang đổ xô vào châu Âu.
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU, bà Federica Mogherini cho biết, cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao EU ngày 4/9 là sự tiếp nối cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng diễn ra hôm 3/9 vừa qua.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier kêu gọi sự đoàn kết giữa các thành viên EU trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lần này.
Ông Frank Walter Steinmeier - Bộ trưởng Ngoại giao Đức – kêu gọi: “Chúng ta cần phải có cách thức hợp tác khác. Châu Âu không thể để bị chia rẽ ngay cả khi đối mặt với một thách thức như vậy”.
Trong khi đó, 3 quốc gia Italy, Pháp và Đức dự kiến sẽ đưa ra một quy chế, theo đó sẽ hồi hương những người không đủ điều kiện xin tị nạn và tăng cường kiểm soát biên giới.
Các nước này cũng đề xuất tạo ra một "hệ thống quản lý biên giới", giúp nhận dạng, xác định dấu vân tay và đơn đăng kí tị nạn.
Vào tuần tới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker dự kiến sẽ đề xuất một kế hoạch nhằm tái định cư cho những người tị nạn trên khắp châu Âu theo hạn ngạch của từng quốc gia.
2. Pháp xác nhận mảnh vỡ tìm thấy trên đảo Reunion là của máy bay MH370
Sau 1 tháng tiến hành kiểm tra mảnh vỡ tìm thấy trên đảo Reunion ở Ấn Độ Dương, các công tố viên Pháp ngày 3/9 chính thức xác nhận đây là phần cánh của chiếc máy bay MH370.
Tuyên bố của các công tố viên Paris nêu rõ: "Hôm nay đã có thể khẳng định rằng phần cánh lái tìm thấy trên đảo Reunion hôm 29/7 là của MH370". Theo các công tố viên Pháp, đội ngũ điều tra đã phát hiện 3 con số trên phần cánh và sau đó kết luận một trong những số này tương ứng với số seri của một cánh lái thuộc MH370.
Sau khi được tìm thấy hôm 29/7, mảnh vỡ này được đưa về Pháp để giám định tại Phòng thí nghiệm của Tổng cục Vũ khí - Kỹ thuật hàng không (DGA-TA) thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, gần thành phố Toulouse. Công tác giám định đặt dưới sự chỉ đạo của Cơ quan Công tố Pháp, được thực hiện với sự hiện diện của đại diện Hãng hàng không Malaysia, cơ quan điều tra của Trung Quốc, nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ, cơ quan điều tra của Malaysia.
Pháp có thẩm quyền tiến hành công tác điều tra và xác minh do mảnh vỡ được tìm thấy tại đảo Réunion là lãnh thổ hải ngoại Pháp và Pháp cũng có 4 công dân trên chiếc máy bay MH370.
Hai ngày sau khi mảnh vỡ được tìm thấy trên đảo Reunion, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã khẳng định mảnh vỡ này thuộc về chiếc máy bay mang số hiệu MH370 bị mất tích. Tuy nhiên, Viện Công tố Paris của Pháp chỉ đưa ra tuyên bố thận trọng rằng mảnh vỡ được tìm thấy trên đảo Réunion có khả năng là của chiếc máy bay MH370 và cần có thêm những phân tích bổ sung.
Máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3/2014 khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn. Ngày 29/1/2015, Cục Hàng không dân dụng Malaysia tuyên bố đây là một vụ tai nạn, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay được cho là đã thiệt mạng.
3. Thái Lan: Bắt giữ nghi can chính vụ đánh bom ở Bangkok
Hôm 1/9, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thông báo nước này đã bắt giữ được nghi can chính tại một trạm kiểm soát ở biên giới với Campuchia.
Đối tượng này bị tình nghi là thủ phạm trong vụ đánh bom đền Erawan tại thủ đô Bangkok hôm 17/8 khiến 20 người thiệt mạng.
Thủ tướng Thái Lan cho biết, đối tượng bị bắt khi đang tìm cách vượt qua cửa khẩu ở Ban Pa Rai thuộc tỉnh Sa Kaeo và được xác định là người đàn ông mặc áo vàng, bỏ lại ba lô tại đền Erawan ngay trước khi vụ nổ xảy ra, đã bị camera an ninh ghi lại.
Đây là đối tượng người nước ngoài thứ hai bị bắt liên quan đến vụ đánh bom cách đây gần nửa tháng. Đối tượng nước ngoài đầu tiên bị bắt giữ tại quận Nong Chok hiện đang bị giam giữ và thẩm vấn tại một căn cứ quân sự.
4. Quốc hội Ukraine ủng hộ trao quy chế đặc biệt cho miền Đông
Ngày 31/8, trong phiên bỏ phiếu lần thứ nhất, với 265/450 phiếu ủng hộ, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp về trao quy chế đặc biệt cho các tỉnh miền Đông theo đề xuất của Tổng thống Petro Poroshenko.
Theo Hiến pháp Ukraine, việc sửa đổi một đạo luật cơ bản cần phải được Quốc hội thông qua 2 lần. Trong lần bỏ phiếu đầu tiên, dự luật cần được nhận tối thiểu 226 phiếu ủng hộ. Còn trong lần bỏ phiếu thứ hai, số phiếu tối thiểu cần đạt được phải là 300 phiếu.
Cải cách Hiến pháp là một phần trong thỏa thuận hòa bình Minsk được ký giữa chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông hồi tháng 2 vừa qua. Cải cách này liên quan tới việc phân quyền, có tính đến các khu vực nhất định thuộc hai tỉnh Donetsk và Lugansk với sự đồng ý của đại diện các khu vực này, cũng như thông qua luật về quy chế đặc biệt cho các khu vực đó.
Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, một cuộc đụng độ lớn đã xảy ra bên ngoài Quốc hội Ukraine.
5. IS tiếp tục phá hủy thêm một ngôi đền cổ tại Palmyra, Syria
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa phá hủy thêm một đền thờ ở thành cổ Palmyra của Syria.
Theo đó, các phần tử IS đã dùng thuốc nổ để phá hủy đền thờ Bel gần 2.000 năm tuổi. Mức độ thiệt hại của đền Bel hiện chưa rõ, nhưng người dân ở đây mô tả đã có một vụ nổ rất lớn. Trong khi đó, một nhân chứng cho biết, toàn bộ ngôi đền đã bị phá hủy, các cột chống của ngôi đền đã đổ xuống, chỉ còn lại những bức tường.
Bel là ngôi đền thờ các vị thần của đế quốc cổ Palmyra và là một trong những ngôi đền được bảo tồn tốt nhất tại khu di tích này. Đây là ngôi đền thứ 2 bị IS phá hủy trong vòng 1 tháng qua.
IS đã chiếm được thành phố Palmyra của Syria hồi tháng 5/2015 và đe dọa sẽ phá hủy những khu di tích hàng ngàn năm tuổi ở đây.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.