Các thành viên Nghị viện Anh đã nghe Thủ tướng thuyết phục gần 1 ngày về kế hoạch tăng cường không kích Syria. Cùng lúc đó, bên ngoài tòa nhà Quốc hội Westminster, các nhóm vận động cũng tập trung giương biểu ngữ thể hiện quan điểm phản đối đề xuất của ông Cameron. Nội dung các biểu ngữ cũng là câu hỏi nhiều quan điểm đối lập trong Quốc hội đặt ra cho Thủ tướng: Nước Anh liệu có lặp lại vết xe đổ trong các cuộc chiến trước ở Trung Đông?
Bà Maria Gmaria Gallastegui - Tổ chức phản đối vì hoà bình Peace Strike nói: ‘Việc tăng cường đánh bom Syria sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Ông Cameron nói, làm thế sẽ mang lại lợi ích lâu bền, nhưng không có gì lâu bền ở đây. Đã có rất nhiều nước tham chiến cùng chống IS ở Syria, tại sao Anh lại phải mở rộng chiến dịch thêm? Tại sao không giải quyết các vấn đề trong nước trước, Chính phủ đang cắt giảm phúc lợi, cắt giảm mọi thứ nhưng lại có tiền đánh bom. Chúng tôi không thể đồng ý với kế hoạch này’.
Trả lời tại sao lại phải tham gia không kích IS, ông Cameron nhấn mạnh vào lý do nước Anh không thể chỉ dựa vào các đồng minh để đảm bảo an ninh cho chính mình. ‘Nếu chúng ta tin rằng phải hành động để tự bảo vệ mình, vậy hãy cùng sát cánh trong chiến dịch này với các đồng minh thay vì chỉ đứng ngoài. Nếu không hành động ngay lúc này, đồng minh của chúng ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi đơn giản: Vậy đến lúc nào nước Anh mới thực sự tham gia cuộc chiến chống khủng bố?’, Thủ tướng Anh nói.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn - một cựu binh cũng là nhà vận động phản đối chiến tranh thì e ngại không kích IS tại Syria mà không có thêm giải pháp chính trị nào cho quốc gia này.
Ông Jeremy Corbyn - Chủ tịch Công đảng Anh cho biết: ‘Với bài học từ các cuộc can thiệp quân sự của phương Tây vào Iraq, Afghanistan hay Libya những năm qua, Thủ tướng nghĩ sao nếu những gì chúng ta nhận lại sẽ nặng nề hơn điều mà Tổng thống Obama gọi là hậu quả ngoài ý muốn?’
Đã qua gần 1 ngày họp và nghe Thủ tướng Cameron trình bày những lý do tại sao Anh cần đẩy mạnh không kích Syria, nhưng đến tối 26/11, Quốc hội Anh vẫn chia rẽ và chưa đưa ra được một quyết định cuối cùng. Trong khi đó, Đảng Bảo thủ của ông Cameron vẫn đang rất tự tin về sự thông qua. Theo nhiều nguồn tin từ truyền thông Anh, phiên họp ở Westminster đang chứng kiến sự chiếm ưu thế của những người ủng hộ không kích. Trước đó, ông Cameron từng tuyên bố, nếu như được Quốc hội thông qua, chiến dịch có thể được triển khai chỉ sau đó vài giờ đồng hồ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.