Theo đó, 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran sẽ bị Washington trừng phạt nếu tiếp tục giao dịch dầu mỏ với Iran. Thông điệp của Mỹ rất đơn giản: Hoặc là chọn Mỹ, hoặc là chọn Iran.
Động thái của Mỹ nhằm gây sức ép tối đa, kéo xuất khẩu dầu mỏ của Iran từ mức 1,3 triệu thùng/ngày hiện nay xuống ngưỡng gần bằng 0. Thực tế là trong 8 khách hàng của Tehran bị đe doạ lần này, Italy, Hy Lạp và Đài Loan (Trung Quốc) đã ngưng mua dầu Iran từ tháng 11 năm ngoái.
Iran ngay lập tức lên tiếng đe dọa sẽ đáp trả và không loại trừ việc phong tỏa eo biển Hormuz nếu Mỹ cố bóp chẹt nền kinh tế nước này. 20% lượng dầu thô và 1/3 lượng khí đốt thế giới được vận chuyển qua eo biển này.
Thị trường dầu mỏ đang trở nên đầy bất định sau quyết định ngưng miễn trừ cho các đối tác nhập khẩu dầu của Iran từ ngày 1/5 của Mỹ
Các lệnh trừng phạt của Mỹ được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ tới Iran, bởi lẽ 40% nguồn thu của nước Cộng hòa Hồi giáo này là từ xuất khẩu dầu mỏ. Trước khi Washington áp đặt trừng phạt Tehran, Iran có thể kiếm được tới 50 tỷ USD/năm từ doanh thu dầu mỏ. Tuy nhiên, động thái mới nhất của Mỹ có thành công hay không còn phụ thuộc vào việc các đối tác mua dầu bị ảnh hưởng có tuân thủ hay không, và Iran sẽ có biện pháp gì để tìm đầu ra cho dầu.
Liệu Iran có ngồi yên nhìn cảnh nền kinh tế cúa mình bị "bóp nghẹt". Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran có đang bị đẩy vào chân tường không lối thoát? Và liệu thị trường dầu mỏ thế giới có xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn nữa, khiến hóa đơn chi trả cho năng lượng của mỗi hộ gia đình tăng chóng mặt? Đây sẽ là nội dung của chương trình Toàn cảnh thế giới hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!