“Hậu Brexit, EU sụp đổ là kịch bản khó xảy ra”

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 26/06/2016 12:41 GMT+7

VTV.vn - Theo TS. Đỗ Sơn Hải - Trưởng khoa Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao, sau nước Anh sẽ có nhiều nước khác dần rời khỏi EU và EU sụp đổ là điều khó có thể xảy ra.

Sự lựa chọn ra đi của người Anh trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6 là cú sốc lớn, là cơn địa chấn chính trị kinh tế toàn cầu. Ngày 23/6, các thị trường tài chính chứng khoán toàn cầu ngập trong sắc đỏ. Brexit đã biến ngày 23/6 trở thành “ngày thứ Sáu đen tối nhất” của các nhà đầu tư kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008. 2.100 tỉ USD đã bị “thổi bay” trong ngày 23/6. Đó chỉ là những hậu quả ban đầu. Vụ “ly dị” giữa nước Anh và Liên minh châu Âu còn kéo theo những hệ lụy không thể đong đếm bằng tiền và mở ra những khoảng trống trong nhiều mối quan hệ quốc tế, làm nảy sinh các nguy cơ mới với châu Âu.

Nhận định về Brexit, TS. Đỗ Sơn Hải - Trưởng khoa Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao - nói: “Quá trình gắn bó giữa Anh và EU đã được 43 năm nên sự ra đi của nước Anh đương nhiên gây sốc với cá nhân tôi. Tuy nhiên, khi người Anh lý giải nguyên nhân họ ra đi, tôi lại hoàn toàn không bất ngờ. Nhưng nước Anh ra khỏi EU lại đặt ra câu hỏi rất lớn cho một chính sách hội nhập”.

“Từ Brexit, hiệu ứng domino có thể xảy ra trên hai phương diện. Thứ nhất, một loạt các nước sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về những chuyện rất trọng đại như của nước Anh. Thứ hai, các Đảng cực hữu nhân sự kiện Brexit này cũng đòi hỏi tiến hành những hoạt động tương tự. Còn nếu hiểu phản ứng domino theo hướng sau nước Anh sẽ có nhiều nước khác dần rời khỏi EU và EU sụp đổ là điều khó có thể xảy ra” - TS. Đỗ Sơn Hải phân tích thêm.

Sự ra đi của nước Anh là điều cả châu Âu không mong muốn nhưng nó được xem như một giọt nước làm tràn ly cho mối quan hệ giữa Anh và EU. Nhận định về những nguy cơ mà nước Anh và cả EU phải đối mặt trong thời gian tới, TS. Đỗ Sơn Hải cho rằng: “Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, các nhà kinh tế đã cảnh báo rất nhiều về các nguy cơ nước Anh phải đối mặt khi rời EU. Nguy cơ nhiều nhưng người Anh vẫn quyết định rời EU chứng tỏ rằng họ tin những nguy cơ rồi sẽ qua đi, họ sẽ có cách để khắc phục.

Tôi nghĩ rằng, với EU, nguy cơ lớn nhất hiện nay là làm thế nào để thay đổi, để có thể đứng vững trong cơn sóng gió này vì EU không thể tan rã. Còn với nước Anh, tôi cho rằng điều phải đối mặt lớn nhất lúc này là làm thế nào để người Anh tiếp tục sống trong bối cảnh không còn là thành viên của EU”.

Để lắng nghe chi tiết hơn những phân tích của TS. Đỗ Sơn Hải về chủ đề này, mời quý vị cùng theo dõi trong chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước