“Kéo dài đàm phán về nợ với Hy Lạp, EU sẽ gặp nhiều bất lợi”

VTV News-Chủ nhật, ngày 14/06/2015 16:04 GMT+7

TS. Đỗ Sơn Hải (phải) trên trường quay của "Toàn cảnh thế giới"

VTV.vn - TS. Đỗ Sơn Hải – Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao – đưa ra nhận định trên khi bàn về cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ.

Là khách mời trong chương trình Toàn cảnh thế giới sáng 14/6 của Đài THVN và thường xuyên theo dõi cuộc đàm phán của Hy Lạp với các chủ nợ trong thời gian qua, TS. Đỗ Sơn Hải cho rằng: “Cuộc đàm phán giữa các chủ nợ với Hy Lạp diễn ra quá dài và dường như mỗi bên đều chỉ nhìn vào một phía. Và thực tế là hiện nay Hy Lạp đã vỡ nợ. Nếu như họ không đối mặt với sự thật này thì các cuộc đàm phán sẽ không đạt được kết quả”.

“Trong thời gian vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã phải đối mặt với một thực tế vô cùng khó khăn – thiếu nguồn lực tài chính. Vì thế, mọi kế hoạch được Thủ tướng Alexis Tsipras đề ra, trong 5 tháng vừa qua, tôi thấy không thực hiện được bất cứ điều gì, từ việc bảo đảm lương hưu cho người Hy Lạp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến việc trả nợ…” – TS. Đỗ Sơn Hải nhận xét thêm.

Nhận định về khả năng Hy Lạp sẽ ở lại hay phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), TS. Đỗ Sơn Hải phân tích: “Sau thời hạn 30/6, người ta sẽ phải đứng trước một thực tế là để Hy Lạp ở lại hay rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tôi nghĩ đây không phải là điều quan trọng vì trên thực tế người ta đã phân tích rất nhiều rằng nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone thì EU và cả Hy Lạp sẽ được gì, mất gì. Nhưng nhìn chung, nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone thì tất cả đều khó khăn. Điều đặt ra lúc này là làm thế nào tìm được giải pháp để Hy Lạp tiếp tục tồn tại vì dù Chính phủ Hy Lạp trả nợ hay không thì người dân phải tiếp tục sống. Còn vấn đề nợ, tôi nghĩ đã đến lúc phải nhìn ở góc độ khác vì thực tế là Hy Lạp không có khả năng trả nợ”.

“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc EU đi đến quyết định để Hy Lạp vỡ nợ vì Hy Lạp không thể thực hiện đúng cam kết và nếu kéo dài tình trạng này, EU sẽ có những bất lợi. Để Hy Lạp vỡ nợ ở đây nghĩa là neo lại khoản nợ 320 tỷ Euro chứ không phải đẩy Hy Lạp ra khỏi Eurozone và phải đi đến một giải pháp khác để cứu nền kinh tế Hy Lạp” – TS. Đỗ Sơn Hải kết lại cuộc trao đổi trong chương trình Toàn cảnh thế giới.

Để lắng nghe chi tiết những phân tích của TS. Đỗ Sơn Hải về vấn đề này, mời quý vị cùng theo dõi trong chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước