Trung Á - mảnh ghép chiến lược của các đối tác lớn

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 28/05/2023 10:12 GMT+7

VTV.vn - Các nước Trung Á hiện đang nổi lên như những mắt xích chủ chốt trong chiến lược của hai nước lớn Nga và Trung Quốc nhằm hướng tới trật tự thế giới đa cực.

Trung Á - mảnh ghép chiến lược của các đối tác lớn

Nhưng Trung Á không phải là nơi chỉ có Nga, Trung Quốc là có tầm ảnh hưởng. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, các quốc gia này đã theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập và đa chiều với châu Âu, Mỹ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Ấn Độ.

Từ vị trí địa lý và tiềm năng của mình, Trung Á từ lâu cũng là một khu vực rất được phương Tây quan tâm. Khu vực này là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của phương Tây trong nhiều thập kỷ, với việc các nước phương Tây đầu tư mạnh vào quan hệ đối tác kinh tế và quân sự với các nước trong khu vực.

Chiến lược của Mỹ với Trung Á

Từ nhiều năm qua, Mỹ đã cung cấp hơn 9 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp vào các dự án hòa bình và an ninh, cải cách dân chủ và tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các nhu cầu nhân đạo ở Trung Á. Quan trọng không kém, Mỹ đã thúc đẩy Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á trong việc cung cấp tín dụng hơn 50 tỷ USD cho các nước Trung Á. Khu vực tư nhân Mỹ cũng đã đầu tư hơn 31 tỷ USD vào các dự án thương mại trong khu vực.

Mỹ cũng chú trọng tới việc xây dựng mối quan hệ nhân dân với các nước Trung Á, cấp học bổng đào tạo cho hơn 40.000 sinh viên tới Mỹ theo học.

Trung Á - mảnh ghép chiến lược của các đối tác lớn - Ảnh 2.

Trung Á theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập và đa chiều với châu Âu, Mỹ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Ấn Độ.

Để tăng cường cam kết với Trung Á, vào năm 2015, Mỹ đã tạo ra một nền tảng hợp tác mới được gọi là C5+1, một diễn đàn ngoại giao gồm 5 nước Trung Á và Mỹ để đối thoại nhằm giải quyết các thách thức chung. Trong vài năm qua, các dự án chung quan trọng đã được đưa ra trong khuôn khổ C5+1.

Trong chuyến thăm hồi tháng 3 năm nay tới Trung Á, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mang theo khoản viện trợ 25 triệu USD trong khuôn khổ Sáng kiến phục hồi kinh tế ở Trung Á. Cùng với đó là lời hứa Mỹ sẽ ủng hộ tất cả các quốc gia tự quyết định tương lai của mình, đặc biệt là khi khu vực đang chịu ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.

Liên minh châu Âu với Trung Á

Liên minh châu Âu EU đã đưa ra chiến lược đầu tiên với khu vực Trung Á từ năm 2007, tập trung chủ yếu vào hợp tác năng lượng. Sau đó, năm 2019, chiến lược mới về Trung Á đã được EU thông qua, tập trung vào việc thúc đẩy khả năng phục hồi, thịnh vượng và hợp tác khu vực ở Trung Á. EU cam kết hỗ trợ các quốc gia Trung Á thực hiện cải cách và tăng cường dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và sự độc lập của tư pháp cũng như hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế , bao gồm hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế thị trường tự do.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhìn thấy lợi ích tại Trung Á, tuy nhiên thiếu ý chí chính trị để thúc đẩy sự can dự thực chất với khu vực. Các sáng kiến và cách tiếp cận hiện tại của châu Âu với Trung Á còn xa vời và thiếu thực chất so với mối quan hệ bền chặt của Nga và Trung Quốc ở Trung Á.

Trung Á - mảnh ghép chiến lược của các đối tác lớn - Ảnh 3.

Cả Nga và Trung Quốc đều đang hướng tới những lợi ích chung ở Trung Á

Một Trung Á với nhiều sự mở rộng hợp tác mang lại triển vọng cho các quốc gia trong khu vực, nhưng đi kèm với đó là nguy cơ phải đứng giữa cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Trung Quốc coi trọng khu vực Trung Á

Tình hình thế giới biến động nhanh chóng hiện nay, Trung Quốc càng xem trọng vai trò của lang giềng Trung Á trong mở rộng chiến lược thương mại, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Khi Nga - vốn ảnh hưởng mạnh với 5 nước Trung Á - đang tập trung cho cuộc xung đột với Ukraine thì Trung Quốc càng mong muốn sự phát triển, hòa bình ở Trung Á - vốn có nhiều ý nghĩa đối với sự ổn định của Tân Cương.

Khởi đầu của Sáng kiến Vành đai Con đường, Trung Quốc đầu tư mạnh mạng lưới đường sắt, đường ống khí đốt vào Trung Á nên sự thành công trong hợp tác đầu tư rất được Trung Quốc xem trọng. Từ Trung Á, Trung Quốc cũng kết nối vào châu Âu, Trung Đông.

Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết đưa các nước Trung Á lên tầm phát triển mới. Người đứng đầu nền kinh tế số một châu Á nhấn mạnh, thế giới cần một Trung Á ổn định, thịnh vượng, hài hòa. Con số trao đổi thương mại giữa Trung Quốc - Trung Á quý 1 năm nay tăng hơn 22% so cùng kỳ năm ngoái đã chứng minh điều đó.

Khi trả lời báo giới về thành quả của Hội nghị, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, đây là dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Trung Quốc - Trung Á. Hai bên đã đạt được 7 văn kiện song phương và đa phương, ký hơn 100 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực.

Trung Á - mảnh ghép chiến lược của các đối tác lớn - Ảnh 4.

Trung Quốc cam kết đưa các nước Trung Á lên tầm phát triển mới.

Shavkat Alimbekov, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế Trung Á ở Uzbekistan cho rằng kết quả đó không chỉ củng cố quan hệ hợp tác nội vùng, mà còn nâng tầm khu vực trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu hiện nay.

Ảnh hưởng của Nga tại Trung Á

Có thể thấy cả Nga và Trung Quốc đều đang hướng tới những lợi ích chung ở Trung Á và sẽ hợp tác cùng nhau tại khu vực này. Nga, bên cạnh việc tập trung vào các mục tiêu địa chính trị của mình ở Trung Á, cũng mở rộng đầu tư ở khu vực này hàng chục năm qua. Còn với Trung Quốc, mối quan tâm chính của Trung Quốc là tài nguyên khoáng sản và năng lượng của khu vực. Với tư cách là những nước nhận đầu tư và viện trợ phát triển của Nga và Trung Quốc, năm quốc gia Trung Á đang tìm cách tận dụng sự quan tâm của hai cường quốc vì lợi ích của chính họ.

Trung Á vốn là khu vực mà Nga có ảnh hưởng truyền thống, kế thừa từ hồi liên bang Xô Viết. Nhưng dòng chảy đầu tư và thương mại từ Nga vào Trung Á đã tăng mạnh kể từ khi có ý tưởng thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu, hiện bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

Một liên minh hải quan có hiệu lực vào năm 2007 và một thị trường chung Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) đã được công bố vào năm 2015. Một hệ thống di chuyển tự do hàng hóa, vốn, dịch vụ và con người, giống như ở Liên minh châu Âu, đang được theo đuổi.

Tại Kazakhstan, theo Tổng thống Nazarbayev, các dự án ước tính trị giá 25 tỷ USD đã được các công ty Nga đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực khai thác mỏ và tài nguyên thiên nhiên, kể từ năm 2014. Cũng trong năm 2014, Quỹ Phát triển Kyrgyzstan của Nga được thành lập để giúp hiện đại hóa các ngành công nghiệp của Kyrgyzstan. Số tiền ban đầu của quỹ là 500 triệu USD do Nga cung cấp.

Trung Á - mảnh ghép chiến lược của các đối tác lớn - Ảnh 5.

Dòng chảy đầu tư và thương mại từ Nga vào Trung Á đã tăng mạnh

Tập đoàn khí đốt của Nga Gazprom đã tiếp quản cơ sở hạ tầng liên quan đến khí đốt của Kyrgyzstan. Tổng vốn đầu tư của Gazprom vào Kyrgyzstan dự kiến sẽ vượt quá 100 tỷ ruble (tương đương 1,7 tỷ USD). Tại Tajikistan, Gazprom cũng đã trở thành lực lượng hàng đầu trong việc thăm dò khí đốt của đất nước kể từ năm 2008 theo thỏa thuận với Chính phủ Tajikistan.

Về phần mình, Uzbekistan đã ký một thỏa thuận vào năm 2004 với Lukoil, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga. Các dự án của Lukoil tại quốc gia này bao gồm việc xây dựng một nhà máy xử lý khí trị giá 12 tỷ USD. Gazprom cũng đang đầu tư vào thăm dò và sản xuất khí tự nhiên ở nước này.

Trung Quốc tiến vào Trung Á

Đầu tư của Trung Quốc vào Trung Á trong một phần tư thế kỷ qua là rất lớn. Các dòng vốn này tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và các dự án cơ sở hạ tầng, giờ đây mở rộng sang hế biến và chế tạo, kết nối và kinh tế kỹ thuật số.

Năm 2022, thương mại giữa Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á đạt 70,2 tỷ USD, tăng hơn 100 lần sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường, các nước Trung Á đang trở thành một trung tâm vận chuyển của Trung Quốc đến châu Âu và Trung Đông.

Ông Liu Dongmeng - Công ty Ngũ cốc và Dầu Xian Aiju, Trung Quốc: "Nhờ sáng kiến Vành đai và Con đường và khai thác Tàu tốc hành Trung Quốc - châu Âu, chuỗi cung ứng xuyên biên giới của chúng tôi mang lại nhiều sản phẩm và hàng hóa nông nghiệp hơn. Đồng thời, đầu tư của chúng tôi vào Kazakhstan thúc đẩy nông nghiệp, chế biến, sản xuất và việc làm địa phương, thúc đẩy nền kinh tế và doanh thu xuất khẩu của họ".

Trung Á - mảnh ghép chiến lược của các đối tác lớn - Ảnh 6.

Kể từ khi sáng kiến Vành đai Con đường được đưa ra mười năm trước, tàu tốc hành Trung Quốc - châu Âu đã trở thành một tuyến thương mại quan trọng trên khắp lục địa Á - Âu và là huyết mạch hợp tác Vành đai Con đường. Tính đến cuối năm 2022, đã có hơn 65.000 chuyến tàu hàng tới châu Âu, với 80% trong số đó đi qua Trung Á.

Trung Á trong bức tranh địa chiến lược lớn

Vào thứ năm tuần này, cuộc họp Hội đồng liên minh kinh tế Á-Âu đã diễn ra tại Moscow. Tổng thống Nga đánh giá cao quan hệ đối tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia thành viên của liên minh.

Ông nói: "Liên minh của chúng ta luôn khẳng định mình là một trong những trung tâm độc lập và tự cung tự cấp của thế giới đa cực đang nổi lên. Sự tương tác của 5 quốc gia luôn được xây dựng trên các nguyên tắc cùng có lợi, có tính đến lợi ích của nhau và tập trung vào việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện phúc lợi cho người dân ở tất cả các quốc gia".

Liên minh Á - Âu dựa trên bốn quyền tự do: tự do di chuyển vốn, hàng hóa, dịch vụ và lao động. Tổng thống Putin đề nghị bổ sung quyền tự do thứ năm: "quyền tự do tri thức, sẽ được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc và tiêu chuẩn chung về giáo dục, y tế và hành chính công". Theo nhà lãnh đạo Nga, Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ kinh tế, có nhiều điểm chung hơn.

Trung Á - mảnh ghép chiến lược của các đối tác lớn - Ảnh 7.

Trong chuyến thăm hồi tháng 3 năm nay tới Trung Á, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mang theo khoản viện trợ 25 triệu USD trong khuôn khổ Sáng kiến phục hồi kinh tế ở Trung Á.

Cũng tại Diễn đàn kinh tế Á - Âu lần thứ hai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tư cách khách mời đã kêu gọi các thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu tăng cường liên kết với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh. "Mục tiêu cuối cùng của sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’ là khám phá những cách thức mới cho các quốc gia gần và xa để đạt được sự phát triển chung và mở ra một 'con đường hạnh phúc' mang lại lợi ích cho toàn thế giới".

Còn vào thứ năm và thứ sáu tuần trước, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á diễn ra tại thành phố Tây An, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch hợp tác để giúp đưa các nước Trung Á lên tầm phát triển mới, từ xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng đến thúc đẩy thương mại. "Hãy hợp tác chặt chẽ với nhau để theo đuổi sự phát triển chung, thịnh vượng chung, đồng thời hướng tới một tương lai tươi sáng hơn cho cả sáu quốc gia!".

Nằm ngay giữa trung tâm châu Á, khu vực Trung Á có vị trí địa chiến lược, đồng thời là vùng đất có nguồn tài nguyên dồi dào, nhất là dầu mỏ và khí đốt. Khu vực này đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn mà cường quốc nào cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ, từ Trung Quốc, Nga, hay Mỹ và các nước châu Âu.

Những kết quả tích cực đạt được giữa Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á đã gửi đi thông điệp tới thế giới phương Tây rằng, Bắc Kinh và Moscow có chiến lược riêng để thúc đẩy trật tự thế giới đa cực, mà Trung Á là một trong những mắt xích quan trọng của chiến lược đó.

Trung Quốc - Trung Á đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hợp tác sâu rộng hơn Trung Quốc - Trung Á đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hợp tác sâu rộng hơn

VTV.vn - Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á đã khai mạc vào tối 18/5 tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Sự kiện nhằm tạo dựng tầm ảnh hưởng của khu vực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Trung Á

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước