Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ ra mắt Liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam ngày 28-12
Ngày 28-12, Bộ TT-TT tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tắt sóng 2G là cần thiết
Dẫn câu nói của Steve Job “Cái chết là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống”, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để alo. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử".
Bộ TT-TT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022.
Hiện nay, mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020. Như vậy từ 2021, trên mạng viễn thông Việt Nam tồn tại đồng thời 4 công nghệ di động.
“Việc duy trì cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng di động riêng biệt, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới. Vì vậy, việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G”- Bộ TT-TT cho biết .
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được smartphone với giá rẻ có thể thay thế các thiết bị điện thoại 2G hiện nay và không ảnh hưởng nhiều đến người dùng. Do đó, việc tắt sóng 2G là cần thiết.
Cùng với lộ trình tắt sóng 2G, Bộ TT-TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động gồm: Viettel, VNPT, MobiFone. Bộ TT-TT chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020.
Khi đó, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.
Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia
Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh, những sự kiện của ngành CNTT-TT năm 2019 đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, vừa là định hướng cho một giai đoạn mới, vừa là sự khích lệ, là “ngọn cờ tập hợp lực lượng”.
Trong đó, bộ mã bưu chính đến địa chỉ và khả năng giao hàng đến gần 24 triệu hộ gia đình Việt Nam là thông điệp về một hệ thống bán lẻ với 24 triệu siêu thị. Siêu thị điện tử hiện diện trong từng hộ gia đình. Mạng lưới bưu chính chuyển phát sâu rộng đảm bảo dòng chảy vật chất của các giao dịch thương mại điện tử; Tinh thần “make in Vietnam” được thúc đẩy mạnh mẽ…
Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, qui trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực.
“Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về Đề án chuyển đổi số quốc gia thì các bộ ngành, tỉnh thành sẽ ban hành Chương trình chuyển đổi số của bộ mình, ngành mình, địa phương mình. Chúng ta sẽ phải cần đến sự chung tay, đồng lòng của tất cả người Việt Nam để nâng cao thứ hạng Việt Nam về Chuyển đổi số”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Kinh tế số là động lực quan trọng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Bộ TT-TT đã đạt được trong năm qua trên tất cả các lĩnh vực quản lý. Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý Bộ TT-TT đến vai trò và định hướng phát triển cộng đồng các doanh nghiệp ICT.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển.
Để thực hiện các mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT-TT phải trình Chính phủ ban hành Chỉ thị ngay trong tháng 1-2020 để tiến tới trình Chính phủ chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Theo Thủ tướng, “make in VietNam” là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công sang làm chủ và sáng tạo về công nghệ tập trung các giải pháp phát triển Việt Nam.
Cần phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp CNTT, tăng quy mô doanh thu. "Tổng số doanh thu 110 tỷ USD là tiến bộ nhưng cần phấn đấu có quy mô tốt hơn. Khi hông phải chỉ có 1 Viettel, VNPT, CMC... mà phải có hàng trăm, hàng chục doanh nghiệp có quy mô lớn như thế để doanh thu, hiệu quả hơn"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi ý Bộ TT-TT đổi tên thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Sẽ đào tạo CNTT cho học sinh từ lớp 3
“Chuyển đổi số là xu hướng đang diễn ra rất mạnh và doanh nghiệp kì vọng nhiều vào nguồn nhân lực có kỹ năng chuyển đổi số. Tới đây, đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ được ban hành nhưng trước đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tập trung nguồn nhân lực không chỉ là kỹ sư CNTT mà còn đào tạo các cháu còn nhỏ có kiến thức, kỹ năng ICT, chuyển đổi số bằng cách đưa vào chương trình học bắt buộc từ lớp 3.
Với 2 triệu học sinh tiểu học từ lớp 3, các công dân sau 10 năm tới sẽ có kỹ năng chuyển đổi số rất tốt. Từ đó, còn tạo hiệu quả kép giúp người lớn như ông bà bố mẹ có kỹ năng số hoá. Đây là nền tảng để hình thành nên một thế hệ công dân số, tạo nên khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường nhờ vào công nghệ".