25 năm đầu tư FDI: Vẫn còn nhiều dự án công nghiệp nặng

Đặng Tú-Thứ tư, ngày 27/03/2013 09:58 GMT+7

Nhà máy sản xuất xi măng Nghi Sơn ở Thanh Hóa. (Ảnh khai thác)

Bên cạnh những tín hiệu vui, sau 25 năm, nhiều địa phương vẫn mới dừng lại ở việc đầu tư vốn FDI cho những dự án trong lĩnh vực công nghiệp nặng.

Nhà máy xi măng Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên tại khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Doanh nghiệp nước ngoài chọn Nghi Sơn là địa điểm để đầu tư bởi “Nghi Sơn có nhiều lợi thế về cảng biển, vùng nguyên liệu và mặt bằng”, ông Mizuma Seiichi, Giám đốc nhà máy xi măng Nghi Sơn, cho biết.

Hiện nay, trong khi nhiều địa phương khác bắt đầu từ chối các nhà đầu tư nước ngoài có dự án công nghiệp nặng, mang nặng tính gia công, Thanh Hóa vẫn chủ trương thu hút lĩnh vực này. Lãnh đạo tỉnh cho rằng, với điều kiện hiện nay của tỉnh buộc phải chấp nhận thực tế này.

“Tỉnh Thanh Hóa thu hút công nghệ cao rất khó vì hạ tầng còn yếu, nhân lực chưa cao, vì thế chúng tôi tập trung vào công nghiệp nặng phục vụ cho hóa dầu”, ông Bùi Huy Hùng, PhóTrưởng ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn nói.

Ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cũng cho biết: “Tôi nghĩ công nghệ cao không phải chỗ nào cũng áp dụng được như nhau, mà phải phù hợp với từng địa phương”.

Bộ trưởng bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, việc thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với hàm lượng công nghệ cao là điều kiện bắt buộc trong thời gian tới. Tuy nhiên, những dự án này phải xem xét thật kỹ lưỡng và cho dù là lắp ráp, gia công nhưng phải tạo được hiệu quả tối đa, giải quyết việc làm và phải xử lý hài hòa từng bước chuyển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Tính đến tháng 3/2013, sau 1/4 thế kỷ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam có 16.384 dự án với số vốn đăng ký hơn 248 tỷ USD và vốn thực hiện đạt gần 105 tỷ USD.

Dù việc giải ngân vẫn còn chưa thật sự nhanh, nhưng lợi ích của đầu tư trực tiếp là rõ ràng, lượng vốn FDI làm tăng đáng kể vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế, gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm, cải thiện cán cân thanh toán và thúc đẩy hội nhập.

Hiện Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện Đề án “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng, quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020”. Đây là căn cứ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thu hút cũng như xây dựng chiến lược lâu dài với khu vực kinh tế quan trọng này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước