65% chợ nội thành Hà Nội đang hoạt động không phép

Minh Đức-Thứ hai, ngày 23/09/2019 14:27 GMT+7

VTV.vn - Do thói quen mua bán và nhu cầu của người dân mà rất nhiếu nhiều "chợ cóc", chợ chưa được cấp phép hoạt động la liệt tại Hà Nội.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 119 siêu thị, 336 cửa hàng tiện ích, 84 cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm.

Theo đó, hiện nay, tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm còn chiếm tỷ lệ thấp, với khoảng 30%. Phần lớn thực phẩm thịt gia súc, gia cầm được mua bán tại các chợ. Cụ thể, chỉ tính riêng các quận nội thành thì tổng số chợ có kinh doanh động vật, sản phẩm động vật là 396 chợ. Trong đó, chợ được chính quyền cho phép và quản lý là 138; chợ cóc, chợ tạm họp trái phép, không có ban quản lý chợ là 258, chiếm tỷ lệ hơn 65% tổng số chợ.

Được biết, thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn thói quen mua gia cầm sống, trong đó, đa số người mua ở các quận nội thành mua gia cầm sống thuê người kinh doanh giết mổ tại chỗ, do đó, trên địa bàn các quận nội thành của TP vẫn còn hiện tượng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống, chủ yếu tại các chợ dân sinh, các khu tập trung dân cư.

Trước thực tế trên, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, giết mổ không đúng quy định pháp luật.

Cùng với đó, Sở cũng đề nghị các cấp chính quyền cùng cơ quan chức năng cần quan tâm trong tạo điều kiện cho người dân vào buôn bán tại các khu chợ tập trung để vừa giúp họ bảo đảm đời sống vừa từng bước khắc phục một cách triệt để các khu "chợ cóc", chợ tạm. Ngoài ra, về lâu dài cần nghiên cứu, bố trí, xây dựng hệ thống chợ dân sinh một cách hợp lý. Trước tiên nên rà soát diện tích đất xen kẽ để bố trí địa điểm buôn bán cho người dân. Tiến hành nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống sao cho thuận tiện mua sắm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm bớt các loại phí để hỗ trợ tiểu thương, tăng sức cạnh tranh với hàng rong, "chợ cóc".

Đối với người tiêu dùng, cần xây dựng thói quen tìm đến các khu chợ tập trung, chợ chính, các trung tâm thương mại thay vì mua hàng ở các "chợ cóc", chợ tạm. Đây không chỉ là việc làm vì sức khỏe của chính bản thân người tiêu dùng mà còn là cách góp sức hữu ích trong việc loại bỏ "chợ cóc", chợ tạm để giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường của Thủ đô Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước