Chợ cóc, chợ tạm từ lâu đã gắn liền với đời sống, tiêu dùng của nhiều khu dân cư. Đi liền với nó là người dân khó có thể xác định xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm. Đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi người tiêu dùng sử dụng đồ ăn mua từ các chợ cóc, chợ tạm nhưng sau đó không thể tìm được người bán, cùng với đó là nhiều vấn đề khác như mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông… Chỉ riêng ở Hà Nội, hơn 100 chợ cóc, chợ tạm vẫn đang tồn tại.
Chợ cóc, chợ tạm hình thành, tồn tại ở khắp nơi. Hầu như chỗ nào tập trung đông dân cư, ở đó sẽ phát sinh các chợ cóc. Từ những vỉa hè, sân tập thể, các ngõ ngách, vài gánh hàng rau, sạp thịt nhỏ, ít hoa quả là thành một cái chợ cóc, phục vụ nhu cầu thực phẩm ngay tại chỗ của người dân. Có những chợ tạm tồn tại nhiều năm, hoạt động thường xuyên chẳng khác gì chợ truyền thống, với đủ các mặt hàng phong phú từ nguyên liệu chế biến đến đồ ăn sẵn.
Sự tiện lợi cũng là một trong những lý do mà hàng trăm chợ tạm, chợ cóc như thế này tồn tại và duy trì như vậy. Chỉ cần dừng xe vài phút, đã có thể mua ngay thứ mình cần, chẳng phải mất công gửi hay đi ra đi vào mất thời gian như đến các siêu thị hay vào những khu chợ truyền thống. Thậm chí, có những nơi, dù siêu thị nằm ngay bên cạnh nhưng người tiêu dùng vẫn lựa chọn mua hàng ở ngoài các chợ tạm, chợ cóc.
Với thực tế như hiện nay, để xóa bỏ "chợ cóc" chợ tạm không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể thay đổi được thói quen mua sắm của người tiêu dùng mà cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền để đô thị trở nên văn minh, xanh - sạch - đẹp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!