Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2017, tuyến đường sắt xảy ra 194 vụ tai nạn, giảm 50 vụ (20,5%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tai nạn do chủ quan là 7 vụ, (giảm 20,4%), tai nạn do khách quan 187 vụ (giảm 20,4%).
Một số vụ tai nạn giao thông đường sắt đã xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản, điển hình là hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do khách quan: tàu SE2 ngày 2/2 tại Thừa Thiên – Huế làm chết 3 người, 4 người bị thương; tàu TN1 ngày 24/4 tại Bình Định làm chết 4 người, 2 người bị thương và một vụ tai nạn do chủ quan ngày 18/3 tại Bình Định tàu SQN4 va ô tô tải tại đường ngang có gác km 1104+640 làm chết 2 người, trật bánh đầu máy.
Cũng trong thời gian này, toàn ngành xảy ra 766 sự cố, tăng 79 vụ (11,5%); trong đó, do khách quan 401 vụ, tăng 98 vụ (32,2%); chủ quan 365 vụ, giảm 19 vụ (4,9%). Các tai nạn, sự cố đã làm chết 95 người, giảm 8 người (7,8%); làm bị thương 125 người, giảm 43 người (25,6%); gây bế tắc giao thông đường sắt 321,6 giờ, chậm tàu 1.668,4 giờ; hỏng 7 đầu máy, 5 toa xe, 100m đường sắt, 110 ô tô, xe máy các loại…
Nguyên nhân tai nạn, sự cố là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là lái xe ô tô khi đi qua đường sắt còn thấp.
Các giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tuy đã được cải thiện một bước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện tham gia giao thông, còn tồn tại nhiều lối đi tự mở, các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn còn nhiều. Công tác phối hợp xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của các đơn vị chức năng liên quan có nơi, có lúc vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Một số vụ sự cố chạy tàu do lỗi chủ quan mang tính chất phức tạp, khó lường, gây hư hỏng đầu máy, toa xe, kết cấu hạ tầng đường sắt, thiệt hại về người, làm ách tắc tuyến và chậm tàu nhiều giờ. Một số nhân viên trực tiếp làm công tác chạy tàu không nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; chủ quan lơ là trong công việc dẫn đến để xảy ra tai nạn, sự cố chạy tàu.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành rà soát toàn bộ các vị trí đường ngang, lối đi dân sinh do địa phương, doanh nghiệp tổ chức cảnh giới, chốt gác. Đối với các vị trí có lắp thêm cần, giàn chắn nhưng không cử người trực 24/24h, Tổng Công ty đã yêu cầu địa phương dỡ bỏ toàn bộ.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang triển khai lắp đặt bổ sung cần chắn tự động 144 đường ngang cảnh báo tự động; trình và được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt để triển khai gói thầu nâng cấp 20 đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn tự động; lắp động cơ điện cho 43 đường ngang có gác.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng xây dựng kế hoạch nâng cấp 452 đường ngang biển báo lên đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2017-2020.
Trong tháng cao điểm về hành lang an toàn giao thông (15/5 – 15/6), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức 72 đợt tuyên truyền, phát trên 9.000 tờ gấp; ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt với 1.500 hộ dân; tổ chức 96 đợt ra quân, giải tỏa được 494 vị trí vi phạm hành lang, phát quang 45.579m2 cây cối che khuất tầm nhìn 2 bên đường sắt và tại 402 vị trí giao cắt đường bộ, đường sắt.
Tổng Công ty phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các địa phương rà soát, tổng hợp các vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép làm gờ giảm tốc cưỡng bức, trong đó có 97 vị trí giao cắt với đường bộ do Tổng cục Đường bộ quản lý, 1.583 vị trí giao cắt với đường bộ do các địa phương quản lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!