Ảnh minh họa. (Ảnh: Dân trí)
Sáng 13/12, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo Đối thoại chính sách về Việc làm.
ILO khẳng định ASEAN và Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và công nghệ đang thay đổi việc làm và doanh nghiệp tại Việt Nam. 2 ngành sẽ chịu tác động nhiều nhất là dệt may và điện tử. Khi các thiết bị tự động hóa xuất hiện ngày càng nhiều tại các nhà máy cũng đồng nghĩa với chỗ làm của công nhân ngày càng ít đi với khoảng 86% công nhân ngành dệt may của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm trước của xu hướng tự động hóa.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định nguy cơ này là có cơ sở bởi tự động hóa là một xu hướng tất yếu vì nó nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa các chi phí đầu vào, nhân công. Vấn đề là hầu hết lao động chưa nhận ra viễn cảnh robot "giành lấy" việc làm của của chính họ.
Các chuyên gia lao động tại Hội thảo này nhấn mạnh: Để đảm bảo việc làm trước sự phát triển của công nghệ tự động hóa thì phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao thay vì chỉ gia công với số đông lao động. Mặt khác, việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một nguồn tuyển dụng lao động quan trọng. Tự động hóa chỉ đe dọa những lao động kỹ năng thấp và lao động phổ thông.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!