An toàn vệ sinh thực phẩm: Quản lý lỏng lẻo, vi phạm tràn lan

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/02/2017 14:07 GMT+7

VTV.vn - Việc xử lý sai phạm, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay còn khá lỏng lẻo là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vấn đề vệ sinh ATTP vẫn nhức nhối.

Tuần qua có 2 vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm gây xôn xao dư luận, khiến hàng chục người nhập viện và nhiều người đã phải bỏ mạng.

Vụ việc đầu tiên xảy ra tại bản Tả Chải, ở Lai Châu, khi một gia đình mời người dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu. Tuy nhiên sau bữa cỗ đó, 40 người đã phải nhập viện vì bị đau đầu, buồn nôn giãn đồng tử và 8 người đã tử vong.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan y tế đã lấy mẫu rượu mà bà con uống đem đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy hàm lượng methanol trong các mẫu rượu này vượt ngưỡng cho phép tới hàng ngàn lần. Theo các chuyên gia, với hàm lượng như vậy, chỉ uống 1 ly đã có thể bị ngộ độc.

Theo tờ Người Lao động, cách đây hơn 3 năm, tại Quảng Ninh từng xảy ra vụ ngộ độc rượu methanol khiến 6 người tử vong, 15 người khác nhập viện. Xét nghiệm cho thấy loại rượu mà họ uống chứa hàm lượng methanol cao gấp gần 2.000 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Điều đáng sợ là lượng rượu tồn dư methanol ngưỡng cao đang có mặt ở nhiều tỉnh thành, ai kiểm tra kiểm soát những loại rượu như trên?

Trong khi vụ ngộ độc tại Lai Châu còn đang gây hoang mang dư luận, một vụ ngộ độc thực phẩm khác lại xảy ra tại một lễ cưới ở Hoàng Su Phì, Hà Giang, khiến cho 63 người phải nhập viện. Và cho thời thời điểm này, số người ngộ độc đã lên tới gần 90 người. 2 vụ việc xảy ra dồn dập khiến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm một lần nữa đặt ra nhức nhối. Không phải tự nhiên mà nhiều tờ báo cùng chạy hàng tít lớn: "An toàn thực phẩm đang ở mức báo động đỏ hay Báo động đỏ về an toàn thực phẩm".

Đây chính là nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30.000 người mắc, 164 người chết. Bộ NN&PTNT thì cho biết: Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không bảo đảm vệ sinh... còn chậm. Còn với Bộ Công Thương, trong 5 năm đã kiểm tra, xử lý hơn 55.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nhưng công tác hậu kiểm rất hạn chế nên chưa kịp thời chấn chỉnh.

Trong khi đó 5 năm qua, có đến 150.000 đoàn kiểm tra, bình quân 1 năm có 30.000 đoàn. Kết quả thanh tra được trên 3 triệu cơ sở, trong đó phát hiện 20% vi phạm. Nhưng tính bình quân, mỗi cuộc xử phạt chỉ có 200.000 đồng, không bằng xử phạt vi phạm giao thông. "Vi phạm nghiêm trọng mà chỉ xử phạt như thế này? Không có vụ nào xử lý hình sự cả. Trách nhiệm của các Bộ thế nào? Người đứng đầu địa phương ở đâu?" Những bức xúc của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng là bức xúc của rất nhiều người hiện nay.

Có thể nói thời gian qua, vấn đề sản xuất thực phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn chất lượng đang được chính phủ đẩy mạnh, đó là cách tốt nhất để loại bỏ những thực phẩm kém chất lượng, loại bỏ những đối tượng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy vậy, kết quả của những nỗ lực này sẽ bị ảnh hưởng, khi công tác kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm còn quá lỏng lẻo. Vụ các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa 2 hoạt chất cực độc là 2.4D và Paraquat đã được bày bán tràn lan lâu nay, nhưng chỉ mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới ban hành quyết định loại bỏ thuốc khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng tại Việt Nam là một ví dụ cụ thể.

Loại bỏ, nhưng lại cho phép nhập khẩu, sản xuất tối đa trong một năm nữa và được buôn bán, sử dụng thêm tối đa trong 2 năm. Trong khi đó, ngày nào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng phải cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Theo bác sĩ của bệnh viện, cả nghìn người sẽ được cứu sống mỗi năm nếu hoàn toàn loại bỏ hoạt chất này.

Trong khi đó, tờ Người Lao động phản ánh, tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng chưa nhận được công văn nào chỉ đạo về việc loại bỏ 2 hoạt chất 2.4D và Paraquat.

Còn ở các vùng quê của TP Hải Phòng, loại thuốc này được đội ngũ bán hàng rong rao bán đến từng ngõ, xóm, bất cứ ai hỏi mua cũng được. Giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/lọ/90 ml.

Tại một cửa hàng ở tỉnh Gia Lai, loại thuốc này vẫn được bày bán công khai, vì chủ cửa hàng chưa biết việc thuốc này bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV.

Chủ đại lý vật tư nông nghiệp tại chợ Vàm Rầy, Kiên Giang, lại nói rằng, 2 loại thuốc này luôn trong tình trạng "cháy hàng" vì được xem như "vị cứu tinh" cho nông dân trong việc tiêu diệt các loại cỏ "cứng đầu".

Một ví dụ nhỏ trong vô số các ví dụ đang tồn tại có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, nhưng vẫn đang được quản lý và giám sát vô cùng lỏng lẻo. Đó chính là một lý do quan trọng, khiến cho vấn dề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn nhức nhối, mặc cho sự nỗ lực của rất nhiều người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước