Biến đổi khí hậu, hạn, mặn xâm nhập đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu cư dân vùng ĐBSCL. Với hơn 2.000 năm kinh nghiệm phòng chống ngập lụt và nước biển dâng của một quốc gia địa hình thấp hơn mực nước biển, Chính phủ Hà Lan đã triển khai chương trình hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho vùng nông nghiệp trọng điểm đồng bằng.
Delta Works là công trình trị thủy quy mô được Chính phủ Hà Lan triển khai gần đây nhất vào năm 1997. Với 15 hạng mục công trình chính bao gồm hệ thống hệ sông, đê biển với chiều dài hơn 16.000km và hệ thống cống chắn nước dâng do bão, cống tiêu nước và âu thuyền, Delta Works cùng hàng chục dự án đắp đê ngăn mặn được xây dựng từ thập niên 60 đến nay đã bảo vệ an toàn quốc gia dễ bị ngập lụt này.
Bà Nathalie Asselman, chuyên gia Hà Lan về vấn đề đồng bằng châu thổ, cho biết:” Việc xây đập của Hà Lan là giải pháp tốt chống ngập lụt. Giải pháp này hoàn toàn có thể áp dụng cho Việt Nam trong vấn đề phòng chống xâm nhập mặn hiện nay."
Khoảng 2/3 diện tích Hà Lan dễ bị ngập lụt nên các thành phố của quốc gia này đều xây đê lớn phía ngoài chống nước biển, nước sông xâm nhập và tạo nhiều kênh, rạch bên trong để tiêu nước nhanh chóng. Với sự tương đồng về điều kiện thổ nhưỡng, đồng bằng, vùng trũng ven biển giữa hai quốc gia, giải pháp trị thủy của Hà Lan hoàn toàn có thể áp dụng hiệu quả cho vùng ĐBSCL.
Trước tình trạng hạn hán khiến mực nước sông giảm thấp, nước biển dâng cao, mặn xâm nhập sâu, trong khi chưa có những giải pháp hiệu quả, kinh nghiệm xây đập trị thủy của Hà Lan vẫn là giải pháp ưu tiên được tính đến. Bên cạnh đó, việc chú trọng đảm bảo hài hòa giữa công trình hạ tầng hiện hữu với công trình lâu dài ứng phó biến đổi khí hậu cần có tầm nhìn trung và dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.