Nếu làm trái quy định anh Minh (nhân viên của một nhóm tín dụng đen) sẽ phải lựa chọn hoặc cơm hoặc phân để ăn. Vì chọn cơm, nên anh Minh đã phải chịu sự trừng phạt tập thể của hơn 20 đối tượng. Đây là biện pháp dằn mặt nhân viên trong hệ thống tín dụng đen của nhóm tội phạm tự xưng là Tập đoàn Nam Long. Hậu quả, anh Minh đã bị tử vong do bị các đối tượng này đánh đập.
Núp dưới bóng một công ty ma, tổ chức tội phạm này còn tự đặt ra quy định đối với nhân viên của mình như: chế độ tiêu diệt cá nhân và gia đình (bắt cóc, đe dọa người thân), thậm chí còn yêu cầu tự chặt ngón tay của mình. Nhóm đối tượng ràng buộc nhân viên bằng cách trả lương cao cho nhân viên và yêu cầu nhân viên đặt cọc hàng trăm triệu đồng vào công ty.
Dùng tên Tập đoàn Nam Long để đánh lừa người dân là công ty có hợp tác với ngân hàng để cho vay, nhưng trên thực tế tập đoàn này không tồn tại, ký hợp đồng lại là một công ty tư nhân khác. Lãi suất cho vay lên đến 365%/năm. Khi người dân đã đồng ý vay, nhóm đối tượng còn đưa ra nhiều khoản thu không có trong hợp đồng và luôn có cách để khống chế nạn nhân nếu không thực hiện theo ý chúng.
Tổ chức tội phạm tự xưng Tập đoàn Nam Long còn soạn cả giáo trình đòi nợ để xử lý các bị hại và đối phó với công an. Nhiều nạn nhân chậm nộp tiền vay đã bị các đối tượng đến nhà gây gổ, cưỡng đoạt tài sản để siết nợ.
Quy mô hoạt động của tổ chức tội phạm này gồm 26 chi nhánh ở 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Mỗi chi nhánh phụ trách khoảng 2 - 5 tỉnh, do một người làm quản lý. Tính đến thời điểm này, khoảng 200 bị hại đã chuyển tiền vào trên 30 tài khoản của tổ chức tội phạm này với tổng số tiền giao dịch lên tới trên 510 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!