Thực tế học sinh chưa được trang bị kỹ năng để biết khi nào các em có dấu hiệu bất ổn, khi nào vượt qua được và khi nào cần trợ giúp. Khoảng một nửa số học sinh bỏ học đều liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần, thậm chí nhiều em chọn cách tự tử để giải quyết áp lực trong cuộc sống.
Theo bác sĩ Lâm Hiếu Min (Khoa Tâm lý lâm sàng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), rối loạn sức khỏe tâm thần có thể phát sinh ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên vị thành niên là độ tuổi dễ mắc và mắc nhiều nhất. Trường hợp bé gái 13 tuổi tự tử vừa qua vì bị mẹ kiểm tra điện thoại là một ví dụ.
Khoảng 50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chỉ tính riêng trong năm 2019, tỷ lệ trẻ bị rối loạn tâm thần tại TP.HCM có hành vị tự làm tổn hại bản thân chiếm đến 46,5%. Đây là con số đáng báo động, bởi từ hành vi tự làm tổn thương bản thân đến tự tử chỉ là gang tấc.
Cũng theo thạc sĩ, bác sĩ Thái Thanh Trúc, nguyên nhân làm gia tăng số lượng trẻ vị thành niên mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần, thậm chí là bệnh nặng là do học sinh không được trang bị kiến thức, giáo dục hiểu biết về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, phòng y tế học đường hiện nay vẫn chưa thực hiện hết chức năng của mình.
Hiện vẫn chưa có kết quả nghiên cứu nào chỉ rõ mối quan hệ giữa việc gia tăng tỷ lệ tử tự của trẻ với việc sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho các hoạt động trong không gian ảo sẽ làm mất đi khả năng tương tác với gia đình. Trong khi đây mới là yêu tố cần và đủ để nhà trường và gia đình phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!