Chiều 16/9, BHXH Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo về việc cung cấp thông tin bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Sự kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới báo chí và công chúng.
Trong buổi họp báo, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT ông Phạm Lương Sơn đã đọc báo cáo triển khai về việc thực hiện Thông tư 41. Theo đó, năm 2015 là thời điểm có hai sự thay đổi lớn, một là về mức đóng tăng từ 3% lên đến 4,5% lương cơ bản khi tham gia BHYT học sinh, sinh viên và thời gian thu được điều chỉnh từ năm học từ 9 tháng thành năm tài chính là 12 tháng. Theo ông Phạm Lương Sơn, đối tượng HS - SV luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước nên được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT lên tới 30%. Theo kết quả thu được trong năm học 2014-2015, đã có 88,5% HS - SV tham gia đóng BHYT, đây là bước tiến mạnh để đẩy nhanh quá trình đưa BHYT ra toàn dân.
Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của giới báo chí trong nước
Ông Phạm Lương Sơn, lãnh đạo Ban THCSBHYT trả lời trước báo chí
Về vấn đề tăng mức đóng bảo hiểm lên 4,5% lương cơ bản, Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh cho rằng phải hiểu hết những hỗ trợ Nhà nước đối với những người thuộc diện nghèo, cận nghèo thì sẽ được hỗ trợ từ 70% đến 100% phí thu BHYT, còn đối với HS - SV sẽ được hỗ trợ 30%. Đó là chủ trương đúng đắn và hợp lý đối với học sinh, sinh viên, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến những đối tượng đặc biệt.
Về điều kiện trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh, sinh viên, ông Phạm Lương Sơn cho biết theo Thông tư số 41, cán bộ làm công tác y tế trường học phải có trình độ tối thiểu là trung cấp y để thực hiện việc sơ cứu, xử trí ban đầu cho HS - SV khi bị tai nạn thương tích và các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường; có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng. Để đảm bảo việc sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả, đúng mục đích, BHXH đã đề nghị liên Bộ Y Tế - Tài chính sửa đổi Thông tư 41 theo hướng: "Đối với trường học không đủ điều kiện trích chuyển kinh phí Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) thì được kí hợp đồng với cơ sở y tế địa phương để thực hiện khám chữa bệnh trong CSSKBĐ cho HS - SV".
Đối với việc tổ chức triển khai thực hiện, ông Phạm Lương Sơn cũng nêu rõ theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện đối với đối tượng thuộc ngành quản lý; lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có vao trò rất quan trọng trong công tác vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
Tại buổi họp báo, tình hình thu đóng tiền BHYT tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn quốc cũng được công khai trước báo chí. Cụ thể, có 5 tỉnh, thành phố tổ chức thu theo năm học như những năm trước (9 tháng); 58 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện thu theo năm tài chính, trong đó: có 8 tỉnh, thành phố thu một lần 15 tháng; 50 tỉnh, thành phố kết hợp nhiều phương thức thu để linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương.
Tổng Biên tập tạp chí BHXH Dương Văn Thắng phát biểu trong buổi họp báo
Tổng biên tập tạp chí BHXH Dương Văn Thắng kết luận rằng, việc đóng BHYT theo năm tài chính 12 tháng vốn dĩ không tạo nên sự thắc mắc trong dư luận. Lý do tạo nên những xáo động trong dư luận chính là 3 tháng cuối năm 2015 được thu tiếp vào năm 2016, điều này tạo nên việc thu BHYT 15 tháng, gây nhiều áp lực cho người đóng và tạo ra những phản ứng trái chiều. Về việc này BHXH đã linh hoạt có công văn hướng dẫn các địa phương thu theo các đợt nhỏ để giảm áp lực.
Trong nội dung trao đổi và thảo luận, các nhà báo đã đặt ra câu hỏi về việc liệu cơ quan BHXH có công khai minh bạch những khoản chi của quỹ BHYT và số tiền dùng cho CSSKBĐ được dùng như thế nào. Ông Phạm Minh Sơn trả lời: "Toàn bộ những khoản thu chi quỹ BHYT luôn công khai minh bạch và có giám sát thường xuyên, số tiền trích chuyển dành cho CSSKBĐ tại các cơ sở giáo dục dùng để mua thuốc, trang thiết bị và nâng cao dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà trường HS - SV".
Bên cạnh đó, còn có câu hỏi về việc BHXH có tổ chức tập huấn hay tuyên truyền đúng thông tin cho nhà trường và giáo viên hay không. Ông Phạm Lương Sơn cũng chia sẻ: "Mọi hoạt động tuyên truyền cũng như truyền thông đã được BHXH thực hiện từ đầu năm, thậm chí đã làm việc với báo chí và đã dự đoán trước mọi trường hợp xảy ra. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chua mang lại hiệu quả như mong đã gây nên nhiều hiểu lầm trong dư luận xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.