Bảo mẫu trong vụ bạo hành trẻ có thể bị phạt 1 – 3 năm tù giam

PV-Thứ tư, ngày 18/12/2013 15:10 GMT+7

 Theo Luật sư Hà Thị Thanh những người đã từng theo dõi các vụ bạo hành trẻ em trong nhiều năm qua cho biết: Các bảo mẫu trong clip bạo hành trẻ em tại TP.HCM đã vi phạm 2 tình tiết định khung tại Khoản 2, điều 110 của Bộ luật Hình sự nước CHXHCNVN, mức án được quy định có thể từ 1 – 3 năm tù giam.

Cách đây 5 năm, vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa tưởng như đã là bài học đích đáng cho những người trông trẻ nhẫn tâm, nhưng vụ việc tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh đã xảy ra với cấp độ dã man hơn.

‘ Những hình ảnh dã man được ghi lại trong clip tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trong chương trình Cuộc sống thường ngày, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS xã hội học Phạm Bích San, Luật sư Hà Thị Thanh - những người đã từng theo dõi các vụ bạo hành trẻ em trong nhiều năm qua.

PV: Đã từng tiếp xúc với các đối tượng bạo hành trẻ em, theo Luật sư Hà Thị Thanh có những nguyên nhân nào dẫn tới hành vi bạo hành trong clip bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh?

Luật sư Hà Thị Thanh: Ở góc độ pháp luật, theo tôi có thể do ý thức pháp luật của các bảo mẫu còn chưa cao, chưa hiểu hết pháp luật. Có thể họ xem những hành vi của họ là không có tội, do những tội như vậy ít được đưa ra xem xét và xử lý. Cách đây 5 năm chúng ta từng chứng kiến vụ bà Quảng Thị Kim Hoa, tòa án đã tuyên mức phạt 18 tháng tù giam. Tuy nhiên, cấp độ lần này, hành vi bạo lực của các bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh được ghi trong clip mang tính nặng nề hơn.

‘ Các vị khách trao đổi trong chương trình Cuộc sống thường ngày liên quan tới vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, TP.HCM. (Ảnh: VTV Online)

PV: Đối với các bảo mẫu trong clip bạo hành trẻ, những hành vi họ làm là không phạm pháp, chỉ để dọa trẻ. Tuy nhiên, xin Luật sư Hà Thị Thanh có thể cho biết họ sẽ phải đối mặt với những khung hình phạt nào của pháp luật?

Luật sư Hà Thị Thanh: Theo clip được ghi lại, những hành vi như vậy là có dấu hiệu của tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 110 của Bộ luật Hình sự, nước CHXHCN Việt Nam. Điều 110 quy định những người có hành vi hành hạ người khác một cách dã man có thể bị xử lý hình sự. Tại Khoản 2, Điều 110 quy định: Những người có hành vi hành hạ người khác trong những trường hợp đối với người già, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc với nhiều người. Trong clip cho thấy các bảo mẫu bị 2 tình tiết định khung tại Khoản 2, điều 110 của Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Mức án được quy định từ 1 – 3 năm tù giam.

PV: Thưa ông Phạm Bích San, nhiều người xem clip ghi lại hành động đánh đập trẻ tại cơ sở mầm non Phương Anh chắc hẳn sẽ nhớ tới vụ Quảng Thị Kim Hoa, nhưng bà Hoa lại là người không được đào tạo chuyên ngành chăm sóc trẻ. Ngược lại cô Phương, người đã có 7 năm dạy tại một trường mầm mon tại quận I, TP.HCM, có một điều thắc mắc rằng tại sao một cô giáo lại có thể làm những điều nhẫn tâm tới như vậy?

PGS. TS xã hội học Phạm Bích San: Để giải thích hành vi này, cần có cái nhìn rất rộng. Tôi nghĩ ít nhất có 3 nguyên nhân giải thích vì sao họ lại có những hành vi bạo hành đó. Trước nhất là việc chúng ta quan niệm thế nào là con người, có trường phái quan niệm con người thuộc tính bản thiện – tức tốt cả, trường phái khác lại quan niệm con người có tính bản ác. Trong thời gian khá dài, xã hội chúng ta vẫn cố gắng giáo dục con người mang bản chất tính thiện và chỉ nhìn nhận và giáo dục những điều thiện, điều tốt mà chưa chú ý để giúp con người nhìn nhận, đối mặt và giám sát điều ác. Đó là lý do vì sao trong thời gian sắp tới chúng ta cần có những chỉnh sửa, sao cho có thể cân bằng được điều thiện – điều ác trong mỗi con người để có thể có biện pháp giáo dục lẫn luật pháp để điều tiết.

Thứ hai, trong hệ thống giáo dục ngành sư phạm, theo truyền thống người giáo viên có rất nhiều quyền, nhưng đồng thời trong xã hội truyền thống người thầy cũng bị giám sát bởi cộng đồng xã hội. Trong xã hội hiện đại, cơ sở đào tạo là cơ sở theo chức năng, khả năng giám sát của chúng ta đối với hành vi của cô giáo có thể còn nhiều khiếm khuyết, chưa được đầy đủ. Ví dụ: cách giám sát ở cấp trên cấp dưới, cách giám sát ở cộng đồng đối với các thầy cô giáo không đầy đủ, nhiều khi tạo cho người giáo viên một quyền năng quá lớn, không thấy được quyền của trẻ em là như thế nào.

Tôi nghĩ cần phải nhắc lại, xác lập lại hệ thống giám sát. Người dạy phải hiểu được vai trò của mình, nhưng hiểu là một chuyện, bên cạnh đó cần có hệ thống giám sát một cách hữu hiệu. Trước đây giám sát bằng cộng đồng, nay có thể giám sát bằng hệ thống chức năng, từ báo chí cho tới cấp trên.

Thứ ba, có thể thấy, quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa hóa nhanh khiến nhiều khi con người có những hành vi lệch chuẩn. Sự căng thẳng khiến tính ác của họ nổi lên quá mạnh, quá nhanh khiến họ mất đi tính bản thiện để cân bằng lại bản thân, từ đó dẫn tới những hành vi nhẫn tâm, không làm chủ được mình như vậy.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video toàn bộ cuộc trao đổi giữa phóng viên VTV với PGS. TS xã hội học Phạm Bích San, Luật sư Hà Thị Thanh trong chương trình Cuộc sống thường ngày.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước