Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan, trữ lượng và tài nguyên quặng titan tại Bình Thuận khoảng 559 triệu tấn, chiếm đến 92% tổng trữ lượng titan cả nước. Ở một địa phương có nguồn tài nguyên lớn như vậy, lẽ ra người dân trong vùng sẽ vui mừng, nhưng thực tế lại khác.
Khu vực giáp ranh giữa thành phố Phan Thiết với huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là nơi có nhiều mỏ khai thác titan nằm gần nhau. Điểm chung của các mỏ titan này là gần biển, bề ngang hẹp, địa hình cao so với các khu dân cư xung quanh.
Việc khai thác titan lâu ngày khiến bùn, cát thải đưa lên khỏi mặt đất rất lớn. Chính vì vậy, khi gió mạnh, sẽ có một lượng cát, bùn thải từ trên cao phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tỉnh Bình Thuận có nền nhiệt độ cao và thường xuyên khan hiếm nguồn nước. Kết quả quan trắc mới nhất, nguồn nước dưới đất ven biển tỉnh Bình Thuận chỉ cho phép khai thác tối đa không quá 28.000 m3/ngày đêm. Lượng nước này chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và một số lĩnh vực thiết yếu khác chứ không đủ cung cấp cho tuyển quặng titan. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dự án titan đã và đang chuẩn bị đi vào khai thác khiến cho nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trở nên nghiêm trọng hơn.
Tỉnh Bình Thuận hiện có 8 dự án khai thác quặng titan được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Từ phản ảnh của người dân và giám sát của các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định tạm dừng khai thác ở dự án để khắc phục hậu quả môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!