Hơn 5.700 ha rừng tự nhiên bị tàn phá, 305 vụ khai thác lâm sản trái phép với gần 500.000 m3 khối bị đốn hạ, 28/41 dự án sản xuất nông lâm nghiệp thiếu hiệu quả gây thiệt hại tài nguyên rừng, đó là những con số thống kê đáng báo động về tình trạng mất rừng, suy thoái rừng trên địa bản tỉnh Đăk Nông trong vòng 5 năm trở lại đây, đồng thời cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh Tây Nguyên.
Theo ông Đỗ Hồng Quân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa – đơn vị đã để mất 1.400 ha rừng sau 7 năm tiếp nhận quản lý, sự tăng lên đột biến của số dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đăk Nông tỷ lệ thuận với nhu cầu về quỹ đất canh tác đã gây nên hiện tượng mất rừng.
Không chỉ riêng công ty Gia Nghĩa, tình trạng mất rừng diễn ra khá phổ biến ở nhiều công ty lâm nghiệp nhà nước khác trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Việc để mất rừng phần lớn trách nhiệm thuộc về các chủ rừng do đã buông lỏng quản lý và thiếu năng lực. Tuy nhiên mặt khác, cơ chế hoạt động của các công ty lâm nghiệp nhà nước hiện nay chưa thực sự hợp lý. Các doanh nghiệp này chỉ hoạt động theo sự phân công của nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng chứ chưa đủ điều kiện hoạt động theo luật doanh nghiệp, vì thế, các doanh nghiệp không tham gia kinh doanh sản phẩm từ rừng. Lực lượng mỏng, thiếu vốn đầu tư nên các công ty này hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả.
Trước thực trạng bất lực của các công ty lâm nghiệp nhà nước, UBND tỉnh Đăk Nông đã thu hồi hơn 31.600 ha đất rừng để giao lại cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, theo rà soát mới đây, trong 41 dự án của các doanh nghiệp, chỉ có 10 dự án thực hiện theo đúng cam kết. Thống kê tại 17 dự án, Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông xác định việc mất rừng đã gây thiệt hại cho nhà nước 272 tỷ đồng. 11 dự án còn lại chưa xác định được thiệt hại do chưa rà soát được diện tích, vị trí lô rừng bị chặt phá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!