Ông Nguyễn Thư Viện hiện là một trong số ít người có thời gian trên 50 năm gắn bó với nghề mộc ở làng nghề Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội - một trong những làng nghề thủ công nổi tiếng của Hà Nội với nghề mộc truyền thống. Năm 2009, ông được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Theo quy định, sau khi được phong tặng, nghệ nhân sẽ được tham dự các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và các hội chợ miễn phí. Đồng thời cũng có nghĩa vụ đào tạo và phát triển nghề truyền thống tại địa phương.
Tuy nhiên, theo lời ông Hiệu, ông “thực sự không biết và cũng chưa từng nhận được một chế độ hay lợi ích gì cả”.
Theo quy định của Nhà nước, chỉ duy nhất UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương mới có thẩm quyền trao tặng danh hiệu nghệ nhân nghề thủ công truyền thống, còn danh hiệu nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân là do Nhà nước trao tặng. Như vậy, việc các đơn vị, tổ chức nghề nghiệp như Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng đứng ra trao tặng danh hiệu nghệ nhân như trường hợp nghệ nhân Nguyễn Thư Viện ở làng nghề Chàng Sơn, Hà Nội là chưa đúng quy định.
Trên thực tế, không chỉ riêng Hiệp hội làng nghề Việt Nam đứng ra trao tặng danh hiệu nghệ nhân không đúng với quy định, mà thậm chí hiện nay còn có nhiều cơ quan khác không có thẩm quyền cũng đứng ra thẩm định và trao tặng danh hiệu này. Mới đây, nghệ nhân Trần Bá Năm, một nghệ nhân có tiếng của làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, Hà Nội đã được một cơ quan mời chào tham gia chương trình tôn vinh nghề gia truyền và nghệ nhân với mức phí 12 triệu đồng. Chia sẻ về chuyện này, nghệ nhân Trần Bá Năm buồn bã nói: “Bây giờ danh hiệu nghệ nhân mà phải đi dùng tiền mua thì về làng chúng tôi biết ăn biết nói làm sao với anh em thợ thuyền nữa đây”.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Mưu, Phó Chủ tịch Hội nghệ nhân, thợ giỏi thành phố Hà Nội cho rằng: “Danh hiệu nghệ nhân là cao quý, thế mà bây giờ đơn vị, tổ chức nào cũng có quyền trao tặng, thế thì còn cao quý cái nỗi gì. Chúng tôi mong muốn rằng, danh hiệu này sẽ được trả lại cho đúng các cơ quan có thẩm quyền đó là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp Nhà nước trao mà thôi”.
Cũng phải nhìn nhận rằng, sở dĩ có thực trạng nhiều đơn vị, tổ chức đứng ra trao tặng danh hiệu nghệ nhân như hiện nay là do công tác trao tặng danh hiệu này hiện còn thiếu sâu sát, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông, làng nghề chạm bạc phố Hàng Bạc, Hà Nội - là một ví dụ. Sau khi được trao tặng danh hiệu nghệ nhân năm 2003, do tuổi cao sức yếu, ông không có điều kiện tham gia các hoạt động hội thảo, hội chợ trong nước và quốc tế nên dù có đôi bàn tay tài hoa và có hơn 50 năm đóng góp cho việc bảo tồn nghề chạm bạc ở Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông vẫn không đủ điều kiện để được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông cho biết: “Thành phố đã cho phép thành lập những Hội nghề nghiệp thì rõ ràng những hội nghề nghiệp này nắm rõ nhất người thợ ở trong hội của họ trình độ nghề nghiệp ra sao, có những đóng góp gì cho làng nghề. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các cơ quan phong tặng danh hiệu nên phối hợp với các hội nghề nghiệp này thì việc phong tặng mới chính xác được”.
Chỉ riêng Hà Nội đã có tới gần 300 làng nghề truyền thống với hàng chục nghìn lao động, nhưng trong suốt hàng chục năm qua mới chỉ có 70 thợ thủ công được phong tặng danh hiệu nghệ nhân và 13 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân. Rõ ràng vẫn còn rất nhiều đôi bàn tay vàng có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn nghề truyền thống ở địa phương đang rất cần được Hội đồng xét tặng danh hiệu xuống tận cơ sở đánh giá sản phẩm và những đóng góp của họ đối với làng nghề để được vinh danh một cách xứng đáng. Việc có không ít Hội đồng xét tặng đơn thuần chỉ ngồi nhận hồ sơ rồi xét tặng danh hiệu như hiện này rõ ràng là không phù hợp.