Bằng giả do các đối tượng thực hiện. Ảnh: Infonet
Trong các tang vật thu giữ có một chiếc bằng tiến sĩ được nhóm đối tượng làm theo đơn đặt hàng của người có tên Lê Thanh Minh với giá 15 triệu đồng. Trên bằng có số hiệu bằng và số hiệu vào sổ, tuy nhiên khi phóng viên đến xác minh tại Đại học Kinh tế quốc dân thì trong hồ sơ lưu không hề có tên Lê Thanh Minh đã từng theo học tiến sĩ tại trường.
Một trường hợp tương tự, bằng thạc sĩ cũng đã được đặt mua bởi một người có tên Nguyễn Văn Thắng với giá 12 triệu đồng. Tuy nhiên khi xác minh theo thông tin từ số hiệu bằng và số hiệu vào sổ thì không có tên ai là Nguyễn Văn Thắng tại khóa học này. Ngày cấp bằng được ghi trên chứng chỉ hoàn toàn sai lệch với ngày cấp bằng cho khóa học thật, khi đối chiếu với các mẫu bằng thật thì bảng điểm, chữ ký, con dấu đã bị làm giả hoàn toàn. Thế nhưng trên thực tế, những chiếc bằng này khi mang ra công chứng đã không hề được các đơn vị thực hiện việc công chứng phát hiện.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa, hiện nhiều đối tượng mua bằng vẫn chưa xác định được, nguyên nhân là do việc mua bán bằng chủ yếu thực hiện qua mạng. Các thông tin ghi lại trên bằng cấp khá sơ sài, nhất là với loại bằng tiến sĩ, thạc sĩ thậm chí không có ảnh, nên việc truy tìm ngược lại đối tượng mua bằng là rất khó khăn.
Ba đối tượng tham gia đường dây làm bằng giả bị bắt đều là sinh viên vừa tốt nghiệp tại một trường đại học khá danh tiếng tại Hà Nội. Theo lời khai của nhóm đối tượng trên, để tránh bị phát hiện, những bằng cấp mang tính chuyên môn liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người như dược, y khoa thường không được nhận, vì dễ bị phát hiện.
Hiện Công an quận Đống Đa đang mở rộng điều tra xác minh làm rõ nguồn gốc của những tấm phôi trên từ đâu và bị tuồn ra như thế nào, cũng như những đối tượng mua bằng đã sử dụng bằng giả vào mục đích gì.
Được biết, theo quy trình, việc in phôi bằng do Bộ Giáo dục Đào tạo thực hiện.