Con vích do anh Toản bắt được.
Sau khi mang về nhà có người mua đã trả giá 150 triệu đồng nhưng anh Toản không bán, mặc dù hoàn cảnh gia đình anh khó khăn. Anh đã báo cho chính quyền địa phương về việc bắt được rùa biển để có biện pháp xử lý phù hợp.
Theo ông Phạm Văn Ren (cha anh Toản), con rùa biển trên được anh Toản bắt được vào ngày 6/4. Gia đình ông làm nghề đánh bắt cá trên sông đã gần 40 năm nhưng chưa từng thấy con rùa biển nào to như vậy, trong khi loài rùa này thường ở ngoài biển.
Con rùa biển trên có chiều dài 1,2m, chiều ngang gần 1m, mai cứng, màu nâu, với nhiều đốm đen, trọng lượng khoảng 200kg. Khi anh Toản bắt được, con rùa biển này đã bị lưới đánh cá bao quanh thân. Hiện, gia đình ông Ren đang giữ rùa biển ở nhà.
Ông Ren mong muốn các ngành chức năng kết hợp cùng gia đình ông thả rùa biển về với tự nhiên, bởi ông lo ngại khi gia đình mang đi thả, ngư dân khác sẽ tìm cách bắt lại. Đồng thời, ông mong các ngành chức năng hỗ trợ chi phí sửa ngư cụ (miệng lưới cào bị con rùa biển làm rách nát) và chi phí vận chuyển rùa về nhà.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) cho biết sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã đến vận động gia đình ông Ren không bán và tạm giữ lại tại nhà con rùa biển này, chờ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để thả rùa.
Địa phương đang chờ cơ quan chuyên môn đến xác định, đồng thời cũng đã kiến nghị ngành chức năng xem xét hỗ trợ về chi phí cho gia đình ông Ren.
Theo ông Chu Anh Khánh, cán bộ công tác tại Bảo tàng Hải dương học, thuộc Viện Hải dương học Việt Nam, theo quy định trong Sách Đỏ Việt Nam, các loài rùa biển nói chung đều nằm trong sinh vật được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nếu ngư dân đánh bắt được các loài rùa biển phải thả chúng trở lại tự nhiên. Trường hợp đã đưa về, cần báo cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại địa phương biết, để chứng kiến việc thả sinh vật về với tự nhiên an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!