Ông Tarik Jasarevic.
Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với virus Ebola khi số nạn nhân tử vong tăng lên gần 1.000 người và nhiều Chính phủ bày tỏ lo ngại dịch có thể lây lan ở quy mô trên toàn thế giới. Đây là lần thứ ba trong lịch sử, WHO ban hành tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế, sau đại dịch cúm H1N1 năm 2009 và sự tái phát bệnh bại liệt vào tháng 5 năm ngoái. Phóng viên Ban Truyền hình Đối ngoại đã có cuộc phỏng vấn ông Tarik Jasarevic, Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Geneva, Thụy Sĩ.
Xin mời ông chia sẻ những thông tin cơ bản về dịch Ebola?
Ông Tarik Jasarevic: Virus Ebola là một trong những loại virus gây ra sốt xuất huyết, và là một loại virus cực kỳ nguy hiểm vì nó có tỉ lệ gây ra tử vong cao. Những triệu chứng ban đầu nó tạo ra là sốt, nôn mửa và đau nhức mệt mỏi cơ bắp. Sau đó xuất hiện chảy máu trong hoặc xuất huyết, và ở khoảng 60% các ca nhiễm virus, các cơ quan nội tạng của người bệnh sẽ không hoạt động bình thường được do mất máu, dẫn tới tử vong.
Chúng ta chưa có vaccine phòng tránh và chưa tìm ra cách chữa trị, tuy nhiên những người phát hiện bệnh sớm nếu đến với các trung tâm điều trị kịp thời và nhận được sự chăm sóc y tế cùng với chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ, họ sẽ có khả năng sống sót cao hơn. Bệnh Ebola không thể truyền nhiễm được qua không khí hoặc nước, cách duy nhất dẫn tới nhiễm bệnh là do tiếp xúc trực tiếp với người đã nhiễm bệnh, cụ thể hơn là chất dịch từ cơ thể người bị bệnh hoặc người đã chết do bệnh Ebola.
Làm thế nào để phòng ngừa lây virus nguy hiểm Ebola?
Ông Tarik Jasarevic: Đối với người dân sống ở các nước có dịch cần nghe theo chỉ dẫn của các cơ quan y tế. Đối với các nước lân cận thì cần đề cao cảnh giác và tập trung chú ý tới các triệu chứng bệnh, nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thì họ cần phải được xử lý đúng cách. Đối với các nước khác thì cần liên tục liên lạc với WHO để nhận được thông tin về bệnh và tình hình diễn biến của dịch, và luôn nhắc nhở các nhân viên y tế chú ý tới những bệnh nhân đã đi qua các nước Tây Phi hoặc có các triệu chứng bệnh, cách ly những người bệnh như vậy và điều trị cho họ cực kỳ thận trọng. Tóm lại, cách triệt để nhất để ngăn chặn lây nhiễm là ngăn chặn trực tiếp tại những nơi đang có dịch, cụ thể là 4 quốc gia châu Phi: Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria.
Về công tác ngăn chặn dịch, hiện Việt Nam đã tiến hành kiểm soát y tế ở các điểm nhập cảnh. Ông có đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Tarik Jasarevic: Kiểm tra - kiểm dịch đối với các du khách là một biện pháp hữu hiệu trong thời điểm này. Những hành khách nhập cảnh cần được đo thân nhiệt để phát hiện sốt. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện biện pháp này. Ủy ban khẩn cấp của chúng tôi cũng đang làm việc để tìm ra cách kiểm soát dịch có hiệu quả mà không làm ảnh hưởng tới giao thông và thương mại quốc tế.
WHO sẽ trợ giúp Việt Nam những gì trong công tác phòng chống dịch và xử lý nếu có người nhiễm virus Ebola?
Ông Tarik Jasarevic: WHO đang làm việc với tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, để nâng cao năng lực của họ trong việc đối phó với những tình huống dịch quốc tế như thế này. Xây dựng năng lực này là một phần của chiến lược y tế quốc tế, vì vậy chúng tôi đang làm hết sức có thể để giúp cho tất cả các quốc gia có khả năng đối phó với dịch. WHO đã triển khai nhiều phòng thí nghiệm và hơn 120 chuyên gia tới các vùng dịch, những thông tin cập nhật nhất chúng tôi sẽ nhanh chóng thông báo.
WHO có khuyến cáo gì với người dân Việt Nam, thưa ông?
Ông Tarik Jasarevic: Thông điệp chúng tôi gửi tới người dân sống ở vùng có dịch hoặc có thể đi tới những vùng có dịch là: không nên chạm vào những người đang bị bệnh, hoặc thi thể của những người chết mà chưa rõ nguyên nhân. Tôi cho rằng điều quan trọng là các nhân viên y tế cần phải biết tới dịch và được cập nhật về tình hình dịch, để khi có ca bệnh được phát hiện tại quốc gia của mình thì họ có thể ứng phó kịp thời.
Xin cảm ơn ông!
Mời quý vị khán giả quan tâm xem video chi tiết tại đây: