Biến đổi khí hậu là vấn đề lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam là một trong những nước đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng này. Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo và các diễn biến gần đây vượt xa mức từng được ghi nhận là kỷ lục.
Cùng với những hiện tượng như bão lũ có cường độ ngày càng mạnh hơn, diễn ra bất thường hơn, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, và nước biển dâng cũng đã được ghi nhận tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nông nghiệp Việt Nam: Mỗi năm Cà Mau mất 450 ha
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, tình hình sạt lở ven biển ở tỉnh Cà Mau là rất nghiêm trọng. Mỗi năm, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bờ biển Cà Mau bị sạt lở khoảng 450 ha. Trong đó, nhiều đoạn sạt lở vào sát chân đê biển, đe dọa đến 100.000 ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân.
Cà Mau mới chỉ là một trong số nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng của tình trạng này. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được báo chí đăng tải, hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tới 406 điểm sạt lở, dài 891 km. Trước đó, tại bờ sông Vàm Nao, một vụ sạt lở đã với chiều dài 70m, làm sập 18 căn nhà, hay tại bờ sông Tiền, Đồng Tháp, hàng trăm hộ đã bị ảnh hưởng và di dời khẩn cấp.
Nông nghiệp Việt Nam: Sạt lở nghiêm trọng tại ĐBSCL
Trong chuyến thị sát tới đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nếu không ứng phó kịp thời, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về lâu dài, trong đó tác động trực tiếp là khai thác các công trình đầu nguồn đập thủy điện.
Ứng phó với tình trạng sạt lở, mới có các giải pháp mềm mang tính trước mắt chứ chưa có kế hoạch tổng thể lâu dài. Còn với tình trạng hạn, mặn do biến đổi khí hậu gây ra, điển hình như tại tứ giác Long Xuyên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần có phương pháp phù hợp và dựa trên những nghiên cứu lâu dài, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả khó lường.
Người Lao động: Tìm cách cứu Tứ giác Long Xuyên
Báo Người Lao động cho biết, các chuyên gia tham dự hội thảo về Liên kết tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên chỉ ra những thách thức về nước biển dâng đã gây ra ảnh hưởng lớn tại khu vực này, cho rằng, cần tìm cách ứng phó theo kiểu "sống chung với hạn mặn" thay vì vội vàng xây đập ngăn mặn, trữ ngọt làm mất đi dòng chảy tự nhiên, mà hậu quả trước mắt là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm thủy sản chết hàng loạt như tại Kiên Giang.
Nông thôn ngày nay: Không thể lở đâu chống đó
Trên một tờ báo khác là tờ Nông thôn ngày nay, trong bài viết với nhan đề "Không thể lở đâu chống đó", Tiến sĩ Trần Bá Hoằng – Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng tình trạng lở đâu chống đó không theo một kế hoạch nào sẽ gây ra mâu thuẫn. Bởi chống sạt lở nơi này có khi gây ra sạt lở nơi khác. Do đó, cần có nghiên cứu uy hoạch chỉnh trị tổng thể cho hệ thống đồng bằng sông Cửu Long.
Tại cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về Phóng chống biến đổi khí hậu mới đây, vấn đề này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh, đó là nếu không ứng phó một cách hệ thống, tổng thể hiệu quả thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định cuộc sống của người dân, đe dọa sự bền vững của đất nước. Và do đó, theo Thủ tướng, cần có một quy hoạch hay kế hoạch tổng thể để xây dựng rõ những công việc cần làm, trước hết là cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tránh tình trạng chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!