Biến đổi khí hậu: Không còn là dự báo

Dạ Thảo-Thứ sáu, ngày 24/05/2013 10:29 GMT+7

Hiện tại những tác động của biến đổi khí hậu đã và đang bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống hàng ngày của hàng ngàn hộ dân.

Từ đầu năm đến nay, sạt lở nghiêm trọng liên tục xảy ra tại các địa phương ở ĐBSCL đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho người dân và hiện vẫn đang đe dọa tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân khác. Thống kê sơ bộ của các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu cho thấy, có 18 khu vực sạt lở với tốc độ 10m/năm, 37 khu vực sạt lở 5-10m/năm.

Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn cũng đang diễn ra gay gắt tại ĐBSCL. Theo dự báo của Trung tâm khuyến nông quốc gia, có khoảng 300.000 ha lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn, mặn trong mùa khô 2013. Nhiều địa phương vùng ven biển thiếu nước ngọt trầm trọng cho sinh hoạt và tưới tiêu.

‘ Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn. (Ảnh: SGGP)

Những năm gần đây, nước biển dâng và sóng vỗ đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến bờ biển từ Kiên Giang đến Cà Mau. Tỉnh Kiên Giang có hơn 70km, chiếm 34% chiều dài bờ biển đã và đang bị xói lở kéo theo nhiều diện tích rừng phòng hộ mất đi. Còn tại Tiền Giang, từ năm 1990 đến nay nhiều ha rừng đã bị chết trên diện rộng, đến nay diện tích rừng của tỉnh đã mất quá một nửa. Ghi nhận số liệu trong 10 năm của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, tốc độ xâm thực của biển trung bình khoảng 10m/năm.

“Xâm nhập mặn vào trong đất liền hiện nay là một vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đồng thời làm ảnh hưởng đến rừng phòng hộ ven biển", ông Đỗ Minh Nhựt, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết.

Như vậy, biến đổi khí hậu không còn là dự báo của vài mươi năm nữa, mà những tác động của nó đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hàng ngày của người dân, từ đồng bằng đến vùng duyên hải. “Thích ứng với biến đổi khí hậu” đang trở thành cụm từ phổ biến và mang tính thời sự.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: "Cơ cấu sản xuất cũng phải thích ứng dần với biến đổi và giải pháp công trình cũng phải có để ứng phó khi thiên tai xảy ra".

Việt Nam đang đứng trước hiểm họa thiên nhiên khó lường. Để ứng phó với các thảm hoạ đó, ngoài nỗ lực của các Quốc gia, của Chính phủ thì nỗ lực của mỗi cá nhân vô cùng quan trọng.

Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của nước ta, khuyến cáo người dân chuyển sang sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới, kỹ thuật mới ít tiêu tốn nước, xây dựng tường ngăn lũ và nhà chịu bão tốt, trồng cây trên các đồi dốc, trồng rừng ven biển nhằm giảm nguy cơ sạt lở.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước