Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 - tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Việt Linh (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Chủ nhật, ngày 19/10/2014 22:18 GMT+7

Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn và Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trong lễ bàn giao. (Ảnh: Vietnamnet)

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Lễ bàn giao và tiếp nhận Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 của tác giả Philippe Vandermaelen.

Chiều nay (19/10), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Lễ bàn giao và tiếp nhận Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 của tác giả Philippe Vandermaelen, một trong những tư liệu có giá trị quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bộ Atlas thế giới của nhà địa lý Philippe Vandermaelen cho xuất bản gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin giá trị về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản.

Trên tấm bản đồ 106 tập 2 bộ bản đồ, vẽ tuyến bờ biển miền Trung Việt Nam (được chú thích là An Nam) từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, quần đảo Hoàng Sa được vẽ chi tiết từ vĩ độ 16 đến vĩ độ 17, khẳng định thuộc về An Nam. Bên cạnh đó, tấm bản đồ còn có một bản giới thiệu về đế chế An Nam. Trong khi đó, tấm bản đồ số 98 tập 2 bộ bản đồ vẽ Quảng Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc thể hiện rõ biên giới cực Nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18. Điều này phản ánh tính khách quan của bộ Atlas và làm tăng thêm giá trị chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen có thể coi là tài liệu có giá trị khoa học chuẩn mực và giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau lễ bàn giao, bộ Atlas thế giới sẽ được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ quốc gia 1 để phục vụ công việc khai thác và nghiên cứu khoa học.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước