Tiếp nhận bản đồ xuất bản năm 1827 khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Thời sự VTV-Thứ ba, ngày 13/05/2014 20:15 GMT+7

Chiều nay (13/5), một bộ gốc của Atlas thế giới xuất bản năm 1827 tại Bỉ, đã được một cá nhân mua và trao tặng lại cho Bộ Thông tin & Truyền thông.

Bộ Atlas cổ này mang tính khách quan và chính xác cao, chứa đựng những cứ liệu quan trọng, quý giá và thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã được lịch sử thế giới ghi nhận.

Từ đầu thế kỷ 19, đây là một trong những bộ Atlas nổi tiếng và được khai thác sử dụng trên phạm vi toàn thế giới do nhà địa lý học kiệt xuất, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ - ông Phillipe Vandermaelen xuất bản năm 1827.

Trong bộ Atlass này, bản đồ khu vực nước ta và đặc biệt là vùng biển Đông minh chứng rõ ràng rằng chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, hay tên quốc tế gọi là Paracels, đã được thế giới ghi nhận.

Điều rất giá trị ở chỗ đây là một bộ Atlas chi tiết và chính xác tới từng đảo trong quần đảo với công nghệ in và vẽ bản đồ hiện đại nhất thời bấy giờ. Nó được coi là một trong những bảo vật của Bỉ, giá trị của nó đã được phân tích trong một công trình nghiên cứu riêng.

Bà Marguerite Silvestre, Thư viện Hoàng gia Vương quốc Bỉ - tác giả công trình nghiên cứu Bộ Atlas Universel cho biết: “Tác giả đã nói tới các hòn đảo, ông đã vẽ đảo Hoàng Sa trên trang bản đồ này. Tác giả đã ghi chú ở đây các hòn đảo đá nhô lên khỏi mặt nước. Quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa có nhiều dải cát vàng. Bãi đá và dải cát đều được thể hiện. Từ thời đó, người ta đã đo được khá chính xác khoảng cách từ đất liền ra hòn đảo và trên bản đồ này là hệ tọa độ, với tỷ lệ kinh độ và vĩ độ khá chính xác”.

Trong bộ Atlas này, tiếp liền phía trên tấm bản đồ số 106 có quần đảo Hoàng Sa, là tấm số 98 mang tên Partie de la Chine vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho biết biên giới cực nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18 và giới hạn ở đảo Hải Nam. Điều này hoàn toàn thống nhất với các bản đồ của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, cũng như các bản đồ phương Tây thời gian đó.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: “Nếu ghép lại thành một quả địa cầu đường kính gần 8m, một công trình kho hoạc đồ sộ, mang tính quốc tế cao, ghi nhận giá trị rất lớn".

Hiện thư viện Hoàng gia Vương quốc Bỉ đang lưu giữ 5 bản gốc cuốn Atlas. Bộ được trao tặng hôm nay là do ông Ngô Chí Dũng - một doanh nhân, cùng với các nhà khoa học đã tìm hiểu và mua lại từ một hiệu sách cổ tại Bỉ, sau đó đã được thẩm định bởi các chuyên gia lịch sử của châu Âu.

Ông Ngô Chí Dũng, người mua lại bộ Atlas Universel chia sẻ: "Tôi nghĩ mỗi người trong lúc này có thể làm được gì cho đất nước, thì đều có thể góp sức. Tôi đã cố gắng mua và chuyển về nước nhanh nhất bộ bản đồ này".

Atlas Universel là bộ bản đồ cổ được vẽ một cách khách quan, khoa học và độ chính xác cao nhất đương thời. Cùng với rất nhiều cứ liệu chúng ta đã có, bộ bản đồ này sẽ rất hiệu quả trong việc tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi video chi tiết:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước