Bỏ biên chế giáo dục: Nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm

Ngọc Thành, Quang Hiệu (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 09/06/2017 20:06 GMT+7

VTV.vn - Thừa nhận bỏ biên chế giáo viên là việc rất khó khăn, nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng đây là điều "không thể không làm" để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, những tháng đầu năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ phấn đấu mức tăng trưởng GDP là 6,7% trong năm nay. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nếu không quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu này sẽ khó đạt được bởi thực tế cho thấy, vẫn còn quá nhiều rào cản đang kìm hãm sự phát triển.

Để đạt được mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay, lĩnh vực nông nghiệp chắc chắn đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên khi thảo luận về lĩnh vực này, không ít đại biểu thể hiện sự lo lắng về nền nông nghiệp còn yếu thế của nước ta. Đó là bài ca được mùa mất giá, được giá mất mùa, đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ manh mún, bị ép giá, sự liên kết 4 nhà lỏng lẻo theo kiểu đèn ai nhà ấy rạng… là những nguyên nhân được đại biểu Quốc hội chỉ ra và đề nghị Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt hơn.

Bên cạnh nêu thực trạng và đề xuất những giải pháp liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tại phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi trong lĩnh vực giáo dục liên quan đến câu chuyện bỏ hay không bỏ biên chế đối với giáo viên.

Một số đại biểu lưu ý việc bỏ biên chế trong giáo dục là những chính sách tác động đến hàng triệu giáo viên mà phần lớn còn gặp nhiều khó khăn so với công sức bỏ ra, nhất là ở những vùng khó khăn. Do vậy các cơ quan quản lý Nhà nước cần cân nhắc tính toán cụ thể, có lộ trình gắn với đặc thù từng vùng miền để tránh sụp đổ hệ thống giáo dục các cấp đã dày công xây dựng.

Đại biểu Quốc hội - Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) phát biểu:"Giáo dục là một quy trình công nghệ đặc biệt, đầu vào là con người, đầu ra cũng là con người, quá trình vận hành cũng là con người. Nếu quy trình này vận hành không tốt thì sản phẩm đầu ra cả xã hội phải chịu".

Ông Nguyễn Lân Hiếu - đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang phát biểu: "Nếu các vị đại biểu về thăm các xã vùng cao, gặp các cô giáo, các y bác sĩ ngày đêm bám trụ tại đây thì có thể không chỉ vì yêu nghề mà họ ở lại với bà con mà họ vẫn cố gắng làm việc vì có niềm tin vẫn nằm trong biên chế, là công chức trong hệ thống".

Giải trình thêm về vấn đề biên chế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi cụ thể, Bộ trưởng cũng cho biết khi trao đổi vấn đề này với các cơ quan chức năng đã nhận được sự nhất trí, dư luận cũng rất quan tâm và đồng hành.

Như vậy, sau 1 ngày làm việc, đã có 56 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Mặc dù đã tăng thêm thời gian họp buổi chiều lên 1 tiếng 30 phút so với thường lệ, song vẫn còn 28 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu. Như đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, các ý kiến của đại biểu đa dạng bao quát trên các lĩnh vực và đây sẽ là những đóng góp quan trọng để Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra cho năm nay.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước