Tiếp tục phiên làm việc của Quốc hội về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đầu giờ chiều nay (9/6), đã có 93 đại biểu đăng ký phát biểu. Đại biểu đồng tình với Chính phủ trong việc đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu này dễ trở nên xa vời, bởi thực tế cho thấy, vẫn còn quá nhiều rào cản đang kìm hãm sự phát triển.
Những giải pháp được các đại biểu tập trung thảo luận gồm: giải quyết nợ xấu, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, sớm giải ngân đầu tư công để tập trung cho phát triển hạ tầng trong ngắn hạn, nới các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên VTV, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, những giải pháp của Chính phủ cũng như các đại biểu Quốc hội thảo luận chiều nay khá trúng so với những vấn đề cần giải quyết để đảm bảo mức tăng trưởng 6,7%.
Theo ông Cấn Văn Lực, trong các giải pháp đó có 3 vấn đề cần tập trung: Thứ nhất là xử lý nợ xấu. Đây là vấn đề then chốt. Thứ hai, cải cách quyết liệt nợ công và trong đó có ngân sách nhà nước. Thứ ba là có nên đẩy mạnh khai thác thêm 1 triệu tấn dầu.
Về giải pháp khai thác thêm 1 triệu tấn dầu, trong phiên họp chiều nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần chuyển đổi từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, không nên dựa vào ngành khai khoáng để phục vụ phát triển, đặc biệt là việc khai thác thêm dầu để xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, điều này không để lại hậu quả.
Ngoài ra, trong phiên thảo luận chiều nay, một số đại biểu cũng lo ngại về vấn đề nợ xấu. Có người từng ví von rằng: Nợ xấu thực chất là cục máu đông, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển của nền kinh tế và đề nghị cần sớm có các giải pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!