Cũng theo đại diện Bộ GTVT, mặt cầu Thăng Long được xây dựng bằng phương pháp dải thảm bê tông nhựa trên mặt cầu thép. Vì thế sau nhiều năm sử dụng đã bị võng nên việc bảo dưỡng rất khó khăn, cần tiến tới một đề án sửa chữa tổng thể mới có thể đảm bảo chất lượng và tuổi thọ cho cây cầu lâu năm này của Hà Nội.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), công nghệ đã được áp dụng trong việc xây dựng cầu Thăng Long rất phức tạp, và hiện nay không được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Do đó, việc tìm cách khắc phục và sửa chữa mặt cầu không hề đơn giản. Cùng với việc mặt cầu bị võng sau nhiều năm khai thác nên việc tìm ra công nghệ để đảm bảo dính bám giữa lớp bê tông nhựa và giàn thép trên mặt cầu là khá khó khăn, cho dù Bộ đã mời nhiều chuyên gia trong và ngoài nước để giải quyết vấn đề này.
“Bộ đã mời các chuyên gia nước ngoài từ các nước Anh, Singapore, Trung Quốc cùng các chuyên gia cao cấp trong nước để đưa ra công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên, qua một thời gian sử dụng mặt cầu đã xuất hiện các vết nứt và không dính bám. Điều đó cho cho thấy, dù đã nghiên cứu kỹ nhưng công nghệ đó không phù hợp với điều kiện khai thác, thời tiết cũng như khí hậu của Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Cũng theo thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, dù đã trải qua nhiều đợt bảo hành, sửa chữa những thực tế mặt cầu Thăng Long vẫn chưa tìm được một biện pháp hữu hiệu trong việc sửa chữa và đảm bảo hiệu quả của mặt cầu Thăng Long.
Mặc dù mới đây, Bộ đã áp dụng công nghệ của Mỹ khi thay lớp dính bám bằng một lớp dính bám mới, thay nhựa bằng một chất liệu polime có độ bám dính tốt hơn. Qua thử nghiệm cho thấy những vị trí bị hỏng trước đây đã có kết quả tốt hơn, chưa có dấu hiệu bị bong bật. Tuy nhiên, trong lâu dài vẫn cần có một biện pháp sửa chữa toàn diện và tổng thể hơn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: “Chúng tôi đang trình Chính phủ và xin Chính phủ cho phép nhờ các chuyên gia Nhật Bản có kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng các loại cầu này để giúp Việt Nam nghiên cứu và đưa ra giải pháp lâu dài cho mặt cầu Thăng Long.”
Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ còn mất khá nhiều thời gian, vì vậy trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp nhằm gia cố cũng như đảm bảo chất lượng mặt cầu trong thời gian chờ đợi phía Nhật Bản nghiên cứu và tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để sửa chữa.